Nguồn lực thông tin điện tử - dữ liệu số và yêu cầu đặt ra đối với việc triển khai thư viện số tại Thư viện Khoa học xã hội (27/02/2014)
Thư viện Khoa học xã hội thuộc sự quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động của Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) từ lâu đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến với một kho tư liệu quý giá. Việc xây dựng các bộ sưu tập số của Thư viện và website của Viện trở thành cổng thông tin điện tử là rất cần thiết nhằm đáp ứng việc cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ tin, quảng bá, giới thiệu nguồn tư liệu, đồng thời tạo điều kiện cho các học giả trong và ngoài nước tiếp nhận nhanh, dễ dàng và toàn diện hơn tới các nguồn tin phong phú của Thư viện. Bài viết giới thiệu sơ bộ về nguồn lực thông tin điện tử và các bộ sưu tập số của Thư viện; đồng thời làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với việc triển khai thư viện số trong điều kiện hiện nay.
Tác giả:
Phan Tân, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Duy Thỏa
Cơ quan Nhân quyền quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (27/02/2014)
Cơ quan Nhân quyền quốc gia là một trong những thiết chế quan trọng trong việc đảm bảo việc bảo vệ quyền con người ở cấp quốc gia. Đến nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 19 cơ quan nhân quyền quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động. Ở Việt Nam thời gian qua, một số cơ quan và tổ chức cũng đã có những nghiên cứu để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về khả năng thành lập cơ quan này. Bài viết giới thiệu những nội dung chính của cuốn sách “Cơ quan Nhân quyền quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - tác giả Brian Burdekin, dịch giả Nguyễn Hồng Hải, nhà xuất bản Chính trị quốc gia - nhằm góp phần vào việc nghiên cứu về cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam.
Tác giả:
Brian Burdekin; Nguyễn Hồng Hải g.th.
Tư tưởng đổi mới của Nguyễn Trường Tộ về nhân tài, đào tạo và sử dụng nhân tài (27/02/2014)
Nội dung bài viết khảo cứu tư tưởng cải cách giáo dục, đào tạo của Nguyễn Trường Tộ, đặc biệt là quan niệm mới của ông về nhân tài, về đào tạo và sử dụng nhân tài; qua đó mong muốn đem lại một số gợi mở hữu ích cho quá trình đổi mới giáo dục của nước ta giai đoạn hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Thị Hiếu
Những lợi ích từ việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ trong nghệ thuật (27/02/2014)
Thỏa mãn những nhu cầu thẩm mỹ trong nghệ thuật, con người có thể thu nhận được những lợi ích lớn lao: 1- có niềm tin và lý tưởng sống cao đẹp, 2- có khả năng cảm hóa con người, 3- có khả năng thanh lọc trí tuệ, nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng cho con người, 4- tạo ra kháng thể cần thiết để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo ra bản lĩnh văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa, 5- nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc tinh thần cho chủ thể.
Tác giả:
Lê Hường
Hội thảo khoa học: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước (27/02/2014)
Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo khoa học “Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Các tham luận và những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đều tập trung phân tích thực trạng cũng như làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở Việt Nam hiện nay; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Tác giả:
Phạm Nguyễn Đức t.th.
Chấm hết mô hình đại học kiểu cũ (27/02/2014)
Giáo dục đại học đang trên đà khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và nhiều trường đại học sẽ phải trải qua thời kỳ khó khăn cả về tài chính và nhân sự. Nhưng nếu mục tiêu của chúng ta là đào tạo được càng nhiều người càng tốt, càng có chất lượng càng tốt, chi phí càng thấp càng tốt thì chấm hết cho mô hình đại học kiểu cũ cũng chẳng có gì đáng sợ. Mà ngược lại, đó lại là điều đáng mừng khi giảng đường đại học sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến.
Tác giả:
Nathan Harden; Tôn Kiều Trang d.