Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (24/09/2008)

Bài viết nêu rõ nhiệm vụ của các khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta nói chung và của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng trong việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẳng định những đóng góp của khoa học xã hội và nhân văn trong 15 năm đất nước thực hiện đổi mới, bài viết đồng thời nêu lên những nhiệm vụ cấp thiết của khoa học xã hội và nhân văn trong thời kỳ mới - thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tác giả: Nguyễn Duy Quý

Cơ sở lý luận về biến đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (24/09/2008)

Từ cách tiếp cận trên quan điểm duy vật biện chứng, tác giả luận giải khái niệm cơ cấu kinh tế, bản chất của cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tập trung phân tích và làm rõ cơ sở lý luận về sự biến đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay.
Tác giả: Phạm Ngọc Dũng

Những đặc điểm chung của các cuộc cách mạng trong lịch sử khoa học (24/09/2008)

Bài viết phân tích những đặc điểm chung của các cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất, lần thứ hai, trên cơ sở đó đưa ra những dự báo về sự xuất hiện một cuộc cách mạng khoa học mới ở thế kỷ XXI - cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba với những khám phá lớn có tính chất cách mạng, với những cách tiếp cận mới và một cái nhìn mới về thế giới.
Tác giả: Đặng Mộng Lân

Sự gia tăng vai trò của văn hoá trong điều kiện toàn cầu hoá (24/09/2008)

Tác giả phân tích mối liên hệ giữa toàn cầu hoá với văn hoá; tìm hiểu một số nguyên nhân làm gia tăng vai trò của văn hoá trong điều kiện toàn cầu hoá. Một là, trong tiến trình lịch sử, các mối liên kết cộng đồng trên cơ sở của văn hoá thường tỏ ra bền vững và chịu được thử thách của thời gian hơn so với những mô thức liên kết khác, chẳng hạn như thị trường hay nhà nước. Hai là, do nhu cầu tự khẳng định và bảo tồn kết cấu của quốc gia dân tộc (chính phủ - luật pháp - xã hội công dân) trước áp lực của toàn cầu hoá. Ba là, do nhu cầu phản tư của các cá thể trước tính bất định và xu thế nhất dạng hoá, phát sinh từ toàn cầu hoá. Bốn là, trong điều kiện toàn cầu hoá, tiếng nói của văn hoá đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ đối với kinh tế.
Tác giả: Phạm Thái Việt

Về xu hướng phát triển của thư viện trong tương lai (24/09/2008)

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, thư viện đang ở bước ngoặt phát triển rất đặc biệt. Góp phần trả lời cho những câu hỏi: Đâu là hướng phát triển của thư viện trong tương lai? Trong quá trình phát triển hiện nay và những năm tiếp theo, phương thức xây dựng và hiện đại hoá các thư viện cần được diễn ra theo chiều hướng nào và dưới phương thức nào? Tác giả nêu ra ba định hướng cơ bản: định hướng phát triển về loại hình tổ chức - kết hợp tính chất công ích và tính chất doanh nghiệp trong thư viện; định hướng phát triển về mô hình hoạt động - mô hình kết cấu của thư viện trong tương lai, khả năng lưu trữ thông tin cao, các công nghệ mạng và công nghệ đa phương tiện; định hướng phát triển về chia sẻ nguồn lực - phân công hợp tác để xây dựng nguồn thông tin của các thư viện trong xã hội thông tin.
Tác giả: Trần Mạnh Tuấn

Bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá (24/09/2008)

Bài viết trình bày những nội dung chính được nêu ra trong Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” được tổ chức ngày 28/12/2002 tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh với các tiểu ban: Những vấn đề lý luận về chuẩn hoá và hiện đại hoá tiếng Việt, Những vấn đề giáo dục và tiếng Việt, Tiếng Việt trong đời sống hôm nay, và Tiềm năng của tiếng Việt.
Tác giả: Nguyễn Huy Cẩn t.th.

Trái đất - Tổ quốc chung. Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới (24/09/2008)

Cuốn sách là một tác phẩm độc đáo, đưa lại một quan niệm mới - quan niệm phức hợp về Trái đất như là Tổ quốc chung của mọi người. Cuốn sách được dư luận thế giới đánh giá cao như là một kiệt tác mà bất kỳ ai quan tâm nghiêm túc đến việc đổi mới tư duy, phát triển tư duy hệ thống, tư duy phức hợp đều nên đọc. Là thành tựu tuyệt vời của tư duy xã hội, sách mang đến cho chúng ta những ý tưởng mới, phương pháp tiếp cận mới và cái nhìn mới về thế giới, về con người và nhân loại. Cuốn sách chính là một Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới.
Tác giả: Edgar Morin, Anne Brigitte Kern; Phạm Khiêm Ích g.th.

Những bất trắc của xã hội tri thức (24/09/2008)

Phần tóm lược những nội dung chính được đề cập đến trong bài viết của tác giả Sven Ove Hanson bao gồm: một số quan niệm hiện nay về xã hội hiện đại ở các nước đã công nghiệp hoá; hai vấn đề nổi bật trong xã hội hiện đại là sự tích tụ và lan toả của một khối lượng lớn thông tin và tri thức, và sự tồn tại của những nguy cơ và bất trắc trong các vấn đề đang được dư luận quan tâm và việc đưa ra những giải pháp quyết định.
Tác giả: Sven Ove Hanson; Đỗ Tiến Đạt l.th.

Người Nga: Tự đánh giá sau 10 năm cải cách (24/09/2008)

Bản báo cáo này là kết quả trong nhiều năm của các nhà nghiên cứu xã hội học người Nga. Các học giả phát hiện ra rằng người dân Nga đã thích ứng được với hiện thực mới, hơn nữa, đã nhìn vào tương lai với con mắt tương đối lạc quan. Người Nga tự mình có cảm giác tốt đẹp, tràn đầy tin tưởng vào tương lai, tự hào về quốc tịch của mình và không thật quan tâm đến chính trị.
Tác giả: Shu Yongqing; Chương Thâu d.