Chênh lệch giàu nghèo ở Hà Nội hiện nay và một số vấn đề về phân tầng xã hội (28/12/2010)

Phân tích bối cảnh chung về mức thu nhập và tỷ lệ nghèo ở Việt Nam, cung cấp các số liệu thống kê liên quan đến chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam và Hà Nội, đề cập đến thực tế phân hóa giàu nghèo và một số vấn đề lý luận về phân tầng xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, tác giả rút ra các kết luận: 1- Sự phân hóa giàu nghèo và phân tầng xã hội ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng diễn ra theo xu hướng chung của lịch sử xã hội loài người, nhưng phân tầng xã hội ở Việt Nam được điều tiết bởi đường lối, chính sách lãnh đạo, quản lý định hướng xã hội chủ nghĩa. 2- Tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm nhanh chóng trong thời gian qua và tiếp tục giảm cùng với mức sống của các giai tầng xã hội được cải thiện không ngừng. 3- Ở Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước, đa số người nghèo sống ở nông thôn và đa số người giàu sống ở thành thị. 4- Mặc dù nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn còn rất lớn nhưng khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội của Việt Nam so với các quốc gia khác đang được cải thiện rõ rệt. 5- Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, kiềm chế chênh lệch giàu nghèo và định hướng, điều chỉnh sự phân tầng xã hội ở Việt Nam.
Tác giả: Lê Ngọc Hùng

Về cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam hiện nay (28/12/2010)

Là thành quả của nhiều năm kiên trì thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh việc giảm sinh, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 58 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, cứ 2 người lao động mới có 1 người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên). Nội dung bài viết tập trung nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam, đó là quy mô, mật độ dân số, chất lượng dân số, chất lượng lao động, chính sách tạo việc làm cho người lao động, đào tạo nghề cho người lao động, chế độ tiền lương, chính sách an sinh xã hội, dịch vụ y tế và các hoạt động văn hóa, thể thao…
Tác giả: Lê Thi

Tâm lý học xã hội (28/12/2010)

Theo tác giả bài viết, cuốn sách “Tâm lý học xã hội” của GS. Knud S. Larsen (Đại học Oregon - Mỹ) và TS. Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học) là một công trình “đặc sắc”, “có một không hai”, có nhiều điều thú vị về tri thức tâm lý học xã hội, được xuất bản ở Việt Nam. “Khía cạnh lý luận và ứng dụng của nó được tinh lọc một cách công phu từ tâm lý học thế giới, đặc biệt là từ nền tâm lý học được đánh giá là phát triển nhất hiện nay - tâm lý học Mỹ”. Cuốn sách gồm 12 chương. 1- Chuyên ngành tâm lý học xã hội. 2- Chiều cạnh văn hóa và xã hội của cái Tôi. 3- Các mối quan hệ: từ gắn bó đầu đời đến tình yêu lứa đôi. 4- Nhận thức xã hội: chúng ta nghĩ về cuộc sống như thế nào. 5- Thái độ và hành vi. 6- Ảnh hưởng của nhóm. 7- Quá trình nhóm: a dua, tuân thủ và phục tùng. 8- Thuyết phục. 9- Hành vi liên nhóm thù địch: định khuôn, định kiến và kỳ thị. 10- Xâm kích: sợi chỉ xuyên suốt quá trình phát triển của nhân loại. 11- Vị tha và hành vi ủng hộ xã hội. 12- Đạo lý: cạnh tranh, công bằng và hợp tác.
Tác giả: Knud S. Larsen, Lê Văn Hảo; Đỗ Long g.th.

Vấn đề bản sắc văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa nhìn từ kinh nghiệm Trung Quốc (28/12/2010)

Văn hóa Trung Quốc, hay rộng hơn là đời sống của nhân dân Trung Quốc, xét dưới khía cạnh văn hóa, những năm gần đây, là một thực tế cần và nên quan sát. Những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đến văn hóa Trung Quốc và cách suy nghĩ, nhìn nhận cũng như kinh nghiệm của họ trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai là rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Xuất phát từ những quan điểm này, tác giả bài viết tổng thuật phân tích ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đến văn hóa Trung Quốc từ sau cải cách, mở cửa; tìm hiểu kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.
Tác giả: Nguyễn Chí Tình t.th.

Vài nét về chính sách ngoại giao châu Á của Nhật Bản năm 2009-2010 (28/12/2010)

Năm 2009 và nửa đầu năm 2010 đánh dấu một giai đoạn sôi nổi trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với châu Á - Thái Bình Dương. Điểm nổi bật là: 1- Chính phủ mới của Nhật Bản đề cao tầm quan trọng của ngoại giao châu Á trong chiến lược ngoại giao của mình. 2- Nhật Bản đã thể hiện nỗ lực đặc biệt để thắt chặt quan hệ bộ ba nền kinh tế đầu tàu Đông Á là Nhật - Trung - Hàn. 3- Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiến triển tốt đẹp. 4- Nhật Bản nỗ lực điều chỉnh chính sách trong quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mekong nhằm tăng cường vai trò chính trị của Nhật Bản trong khu vực. 5- Ấn Độ và Australia đã trở thành những đối tác hết sức quan trọng của Nhật Bản, giúp Nhật Bản có một vị thế chính trị - ngoại giao lớn hơn ở khu vực châu Á, đồng thời tạo ra được cán cân đối trọng nếu Mỹ tiến gần hơn với Trung Quốc.
Tác giả: Ngô Hương Lan

Về tam đoạn luận biện chứng trong logic học Aristotle (28/12/2010)

Tác giả bài viết quan tâm đề cập đến entimema - một thủ pháp thuyết phục trong nghệ thuật hùng biện - được định nghĩa như là tam đoạn luận dựa trên xác suất và tam đoạn luận dựa trên ký hiệu trong các tác phẩm “Nghệ thuật tranh luận”, “Tu từ học” và “Phân tích học thứ nhất” của Aristotle. Tam đoạn luận dựa trên ký hiệu là suy luận về tính vốn có của đối tượng một tính chất nào đó trên cơ sở một tính chất khác cùng vốn có của đối tượng đó - mà sự xuất hiện hay tồn tại của tính chất thứ hai luôn kèm theo sự xuất hiện hay tồn tại của tính chất đầu. Bên cạnh đó là tam đoạn luận dựa trên xác suất, trong đó xác suất, theo Aristotle, là các ý kiến gần chân lý, các ý kiến về các sự kiện diễn ra không phải luôn luôn mà trong đa số các trường hợp. Mục đích xây dựng các entimema dựa trên xác suất của Aristotle là muốn đề xuất một số nguyên tắc, phương pháp chung cho nhận thức bản chất sự vật dựa trên các thuộc tính ngẫu nhiên của nó.
Tác giả: Nguyễn Gia Thơ

Cuộc săn tìm của Trung Quốc ở châu Phi và những quan ngại của phương Tây (28/12/2010)

Trước những nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, tích cực thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, thương mại, dân chủ và nhân quyền của Trung Quốc ở châu Phi, tác giả bài viết nhấn mạnh, phương Tây cần tăng cường mạnh mẽ năng lực xây dựng hình ảnh của mình như một lực lượng đại diện cho sự tiến bộ ở châu Phi. Phương Tây cần cưỡng lại cám dỗ của việc thừa nhận cách tiếp cận của Trung Quốc - “sự đồng thuận Bắc Kinh” - để đổi lấy sự ủng hộ và những bản hợp đồng. Phương Tây không nên né tránh nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức của mình trong việc thúc đẩy nhân quyền, đồng thời cần khuyến khích mạnh mẽ những nỗ lực hợp tác khả thi với Trung Quốc. Trung Quốc, phương Tây và cả châu Phi cần tin tưởng rằng, cái gì có lợi nhất cho bên này không phải lúc nào cũng gây tổn hại cho phía bên kia.
Tác giả: George Grant; Lê Xuân d.