Chính sách chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo Báo cáo Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Từ góc nhìn học giả Trung Quốc (23/11/2020)

Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc từ sau khi thực hiện cải cách mở cửa đến nay vẫn luôn là chủ đề thu hút nhiều nghiên cứu của các học giả trên thế giới. Nhiều quan điểm cho rằng, sự linh hoạt, tài tình của Chính phủ Trung Quốc trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế là một trong những nguyên nhân căn bản tạo nên sự thành công này. Bài viết tổng quan các nghiên cứu của giới học giả Trung Quốc về một số nội dung cơ bản trong Chính sách chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế được ghi nhận trong văn kiện Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017.
Tác giả: Vũ Kiều Oanh

Một số vấn đề về an ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh (23/11/2020)

Bài viết phân tích một số vấn đề về an ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, như: (i) chính sách tuyển dụng lao động; (ii) chính sách việc làm; (iii) chính sách tiền lương, thu nhập; (iv) sa thải người lao động; (v) điều kiện lao động; (vi) cơ sở vật chất phục vụ đời sống cho công nhân lao động; (vii) nâng cao trình độ chuyên môn và phúc lợi; đồng thời chỉ ra một số khó khăn trong công việc của người lao động ở khu vực này. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp đảm bảo an ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Liên, Lương Thùy Dương, Nguyễn Thị Thanh Hương

Chăm sóc sức khỏe trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở các gia đình nông thôn (Nghiên cứu trường hợp huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) (23/11/2020)

Trẻ em là tương lai của đất nước, chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe trẻ em có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Sức khỏe trẻ em chịu ảnh hưởng lớn từ chính các đặc điểm kinh tế - xã hội của từng gia đình. Bài viết phân tích thực trạng và các yếu tố tác động đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở các gia đình nông thôn hiện nay (nghiên cứu trường hợp huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bao gồm chăm sóc thể chất, chăm sóc y tế.
Tác giả: Lương Thị Thu Trang

Phê bình sinh thái ở Việt Nam: Tổng quan các vấn đề nghiên cứu trong văn học hiện nay (23/11/2020)

Phê bình sinh thái là một bộ môn khoa học còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Từ năm 2011, phê bình sinh thái ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả trong nước. Bài viết tổng quan các tài liệu nghiên cứu về phê bình sinh thái tại Việt Nam, bao gồm các vấn đề cơ bản về lý thuyết và thực hành, qua đó có thể thấy bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu bộ môn này, vẫn còn những hạn chế, những khoảng trống cần bù lấp.
Tác giả: Phạm Quỳnh An, Nguyễn Thị Tâm

Thích ứng với biến đổi khí hậu trong một số hoạt động sinh kế phi nông nghiệp của người Thái và người Hmông ở tỉnh Sơn La (23/11/2020)

Bài viết tìm hiểu cách thức mà người Thái và người Hmông ở xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thích ứng với sự thay đổi bất thường của thời tiết trong một số hoạt động sinh kế phi nông nghiệp; chỉ ra những thuận lợi, rào cản đối với họ trong quá trình thích ứng đó.
Tác giả: Phạm Thị Cẩm Vân

Một số tác nhân của quá trình xã hội hóa chính trị (23/11/2020)

Xã hội hóa chính trị là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới nhưng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Nghiên cứu xã hội hóa chính trị không chỉ giúp giải thích và nhận diện quá trình hình thành văn hóa chính trị của mỗi cá nhân, mà còn giúp gợi mở, bổ sung hoặc điều chỉnh quá trình này của mỗi cá nhân theo hướng tích cực. Dựa trên việc tổng quan một số quan điểm của các nhà nghiên cứu, bài viết làm rõ khái niệm xã hội hóa chính trị và luận giải một số tác nhân ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa chính trị của mỗi công dân.
Tác giả: Lại Thị Thanh Bình, Bùi Thị Hồng

Mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nhìn từ sự tham gia của nông dân và ứng dụng khoa học và công nghệ (23/11/2020)

Mô hình tích tụ đất đai tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những khác biệt so với cả nước. Hình thức dồn điền đổi thửa không áp dụng được tại vùng đất này. Cánh đồng lớn là mô hình tập trung ruộng đất được nhiều người nông dân hưởng ứng và chỉ tập trung vào việc sản xuất lúa. Việc tham gia của nông dân và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào mô hình cánh đồng lớn được thực hiện rộng khắp vùng ĐBSCL. Nhằm đánh giá thực trạng quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất ở vùng đất này hiện nay, cũng như thúc đẩy sự tham gia của nông dân và ứng dụng KH&CN vào các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất, bài viết tiếp cận các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất ở ĐBSCL từ hai khía cạnh: sự tham gia của nông dân và ứng dụng KH&CN.
Tác giả: Đỗ Hoài Nam, Khúc Thị Thanh Vân, Nguyễn Kim Toàn