Nghèo đa chiều: Cách tiếp cận và vận dụng trong thực tiễn Việt Nam (18/04/2017)
Áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những nhược điểm của cách tiếp cận đơn chiều, đặc biệt là bởi có những chiều nghèo không thể đo lường bằng thu nhập hay chi tiêu. Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều cũng giúp giải quyết nhu cầu thực tế mà người nghèo, cận nghèo cần được trợ giúp thực sự; tạo điều kiện nhận dạng đối tượng nghèo chính xác hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản cần được thụ hưởng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chính sách giảm nghèo bền vững, từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư và tăng tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Bài viết đề cập đến một số khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đo lường nghèo theo hướng đa chiều.
Tác giả:
Đặng Nguyên Anh, Trần Nguyệt Minh Thu
Những thay đổi trong chính sách giảm nghèo của Việt Nam (18/04/2017)
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như là điểm sáng về giảm nghèo. Từ năm 2016 đến năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, hướng tới giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Bài viết làm rõ quan niệm của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Phạm Ngọc Hòa
Bất bình đẳng mức sống ở nông thôn Việt Nam qua sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình (18/04/2017)
Bài viết giới thiệu khái quát một số kết quả của đề tài cấp Bộ “Bất bình đẳng mức sống ở nông thôn Việt Nam qua sử dụng và quản lý đất đai hiện nay” được tác giả thực hiện trong hai năm 2015-2016 với các phần nội dung: 1- Bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam và bản chất của sự phân cực; 2- Thực trạng sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn; 3- Bất bình đẳng về mức sống ở nông thôn qua sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp; 4- Một số khuyến nghị.
Tác giả:
Đỗ Thiên Kính
Một số khía cạnh của khuôn mẫu giới trong gia đình nông thôn Việt Nam: Nhìn từ kết quả nghiên cứu gần đây (18/04/2017)
Khuôn mẫu “vai trò giới” giữa vợ và chồng trong gia đình ở Việt Nam đang có nhiều biến đổi do tác động của Đổi mới. Tuy nhiên, về mặt học thuật, chủ đề này thời gian qua mới chỉ được quan tâm phản ánh đơn lẻ trong các công trình nghiên cứu. Câu hỏi đặt ra là vai trò giới giữa vợ và chồng đang diễn biến như thế nào trên các khía cạnh của đời sống gia đình? Với phương pháp tổng quan các tài liệu từ năm 2000-2014, nội dung bài viết từng bước làm sáng tỏ câu hỏi này trên cơ sở một số khía cạnh liên quan đến khuôn mẫu vai trò giới giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Đức Chiện, Văn Thị Hoàn, Lê Thị Thu Hương
Sự lựa chọn lưỡng nan giữa lợi ích kinh tế - tình nghĩa đạo đức trong môi trường doanh nghiệp (trường hợp làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) (18/04/2017)
Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam luôn được xác định là một trong những yếu tố cơ bản trong quá trình phát triển đất nước. Để nâng cao hiệu quả cũng như tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp luôn phải lựa chọn lưỡng nan giữa lợi ích kinh tế và tình nghĩa đạo đức. Bài viết tập trung phân tích sự lựa chọn giữa lợi ích kinh tế hoặc/và tình nghĩa đạo đức trong doanh nghiệp/cơ sở sản xuất - kinh doanh tại làng nghề gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Tác giả:
Lê Thị Thúy Ngà
Chế độ gia đình mẫu hệ ở Tây Nguyên và vai trò của người phụ nữ trong xã hội (18/04/2017)
Bài viết gồm bốn phần nội dung phân tích và làm rõ các đặc điểm, vai trò của người phụ nữ trong chế độ gia đình mẫu hệ ở Tây Nguyên trong đời sống buôn làng, trong hôn nhân, gia đình, trong hoạt động sản xuất và quản lý, thừa kế tài sản. Thông qua những chuyến điền dã và khảo cứu thực địa ở Tây Nguyên, tác giả mong muốn cung cấp thêm thông tin và làm rõ hơn những băn khoăn trong những điểm chưa sáng tỏ về chế độ gia đình đặc trưng này của các tộc người ở Tây Nguyên.
Tác giả:
Nguyễn Văn Thắng
D. Trump đã kịp làm nhiều việc. Nga trông đợi gì từ Tổng thống mới của Mỹ? (18/04/2017)
Bài viết đề cập đến những quyết định, động thái tức thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn vào tất cả các liên bang của Mỹ; bãi bỏ quy định cấm xây dựng hai đường ống dẫn dầu, nới lỏng quy định kinh doanh, giảm thuế, tạo việc làm, hỗ trợ phục hồi nền sản xuất của Mỹ; dự định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang áp đặt đối với Nga đến tháng 12/2017; đồng thời xem xét, phân tích ảnh hưởng của những quyết định, động thái này đối với nước Nga dưới góc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu.
Tác giả:
C. Barova, V. Gudkov, A. Kolesnichenko; Trần Thị Thanh d.