Tiêu chí của Hoa Kỳ về nền kinh tế thị trường và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (30/03/2019)

Việc công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường được xác định dựa trên cơ sở các tiêu chí khác nhau, được quy định theo luật của mỗi nước. Cho đến nay, Việt Nam đã được 69 nước trên thế giới công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đối với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, việc đáp ứng các tiêu chí về kinh tế thị trường theo quy định của các nước này dường như vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi.
Tác giả: Lê Thị Vân Nga

Khu vực phi chính thức và vai trò đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam (30/03/2019)

Các hộ sản xuất kinh doanh cá thể (SXKDCT) tạo ra số lượng việc làm chủ yếu ở Việt Nam, chỉ sau khu vực nông nghiệp. Các hộ này bao gồm một tỷ lệ lớn các hộ SXKDCT không chính thức, không có đăng ký kinh doanh và một tỷ lệ nhỏ các hộ có đăng ký chính thức. Khu vực phi chính thức là bộ phận chính của khu vực hộ SXKDCT. Khu vực này có tính linh hoạt cao, có sự năng động ở một vài phân khúc, còn nhiều khả năng để cải thiện năng suất. Đây là nhân tố chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, nhưng phần lớn khu vực này chưa thực sự được bao trùm bởi các chính sách công. Sử dụng số liệu của cuộc Điều tra các hộ SXKDCT mang tính đại diện trên toàn quốc trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiểu biết về chính sách mới chống nghèo đói”, bài viết góp phần nâng cao sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách đối với các hộ SXKDCT và khu vực phi chính thức, nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường việc làm hiệu quả và giải quyết vấn đề dễ bị tổn thương của người lao động.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương, Phạm Minh Thái, Xavier Oudin, Laure Pasquier-Doumer

Cải cách thể chế thúc đẩy phát triển ở Trung Quốc - Những gợi mở với Việt Nam (30/03/2019)

Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc đến nay vừa tròn 40 năm, đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, nhưng cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tháng 10/2017 đã nêu lên những định hướng mới với những giải pháp mới cho sự phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2020, 2035 và 2050. Bài viết trình bày và phân tích tiến trình và nội dung cải cách thể chế của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.
Tác giả: Đỗ Tiến Sâm

Vai trò của “sức mạnh mềm” ở các nước Đông Á và hàm ý đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam (30/03/2019)

Từ những năm 1990, thuật ngữ “sức mạnh mềm” và vấn đề nới rộng biên độ của nó ở nước ngoài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong chiến lược ngoại giao quốc tế, trong đó có thể nói nhạy bén nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước khi trở thành “hình mẫu” hay “biểu tượng” của ngành công nghiệp văn hóa thế giới như hiện nay, từ đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nỗ lực kiến tạo và thực hiện có kế hoạch chiến lược ngoại giao văn hóa, coi đó là công cụ đắc lực của quyền lực mềm. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết tập trung luận giải vai trò của “sức mạnh mềm” ở các nước Đông Á, thông qua đó, tác giả chọn lọc và đưa ra một số gợi ý phù hợp với Việt Nam nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tác giả: Phan Thị Anh Thư

Triết học đạo đức của Immanuel Kant (30/03/2019)

Immanuel Kant (1724-1804) - nhà triết học cổ điển Đức vĩ đại đã để lại một di sản triết học đồ sộ cho nhân loại. Triết học phê phán của ông có thể chia thành ba bộ phận: lý luận nhận thức, đạo đức học và thẩm mỹ học. Triết học của I. Kant phản ánh ba giá trị vĩnh cửu của nhân loại là Chân - Thiện - Mỹ. Trong đó, triết học đạo đức của ông đến nay vẫn là đối tượng nghiên cứu hấp dẫn của các nhà khoa học, không chỉ bởi nội dung sâu sắc vượt thời đại mà còn bởi giá trị nhân văn của nó. Bài viết đề cập đến triết học đạo đức của I. Kant ở hai khía cạnh: sinh hoạt đạo đức của con người, cách giải quyết của I. Kant với vấn đề sinh hoạt đạo đức của con người.
Tác giả: Nguyễn Vân Hạnh

Thực trạng việc làm của thanh niên nông thôn vùng Tây Nam bộ (30/03/2019)

Vấn đề lao động - việc làm có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng Tây Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong bài viết này, tác giả sử dụng phần mềm SPSS để phân tích bộ số liệu của Đề tài cấp Nhà nước “Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” nhằm nhận diện thực trạng việc làm của thanh niên nông thôn vùng Tây Nam bộ hiện nay.
Tác giả: Phạm Ngọc Tân

Hệ thống đường ô tô cao tốc với sự phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (30/03/2019)

Bài viết trình bày tóm tắt những lợi ích, vai trò của giao thông nói chung, hệ thống đường ô tô cao tốc nói riêng đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nam bộ, trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất nhằm khai thác hiệu quả hệ thống đường ô tô cao tốc ở Tây Nam bộ những năm tới.
Tác giả: Hoàng Văn Long