Một số vấn đề về xu hướng phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh ở Việt Nam (27/04/2018)

Trong quá trình phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh vận động theo các xu hướng khác nhau. Trên cơ sở phân tích chuỗi số liệu thống kê thời kỳ 1995-2016, bài viết chỉ rõ những nét cơ bản của các xu hướng vận động này. Theo đó, tỷ trọng sở hữu nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngày càng giảm, tỷ trọng sở hữu tư nhân và thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng tăng; tỷ trọng loại hình doanh nghiệp đơn sở hữu trong tổng số doanh nghiệp ngày càng giảm, tỷ trọng loại hình doanh nghiệp đa sở hữu, đặc biệt là loại hình công ty cổ phần, ngày càng tăng. Khẳng định các xu hướng vận động ấy phù hợp với xu hướng chung về phát triển thể chế kinh tế thị trường, bài viết nêu một số khuyến nghị chính sách về phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh trong quá trình phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Tác giả: Nguyễn Kế Tuấn

Doanh nghiệp nhà nước: Sứ mệnh, chức năng và định hướng phát triển (27/04/2018)

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là bộ phận cơ bản của kinh tế nhà nước. Trải qua nhiều giai đoạn cải cách song DNNN vẫn hoạt động trong nhiều ngành và chi phối sức mạnh thị trường trong nhiều ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể thực hiện được. Trong giai đoạn tới, bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế và khoa học - công nghệ đặt ra không ít vấn đề nên cần xác định vai trò của DNNN cũng như vấn đề cải cách DNNN. Bài viết góp phần thảo luận những vấn đề vừa đề cập nhằm đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Tác giả: Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Hòa

Thực trạng tham gia kinh doanh của nữ giới ở Việt Nam hiện nay (27/04/2018)

Theo Báo cáo GEM toàn cầu 2017/18 (Global Entrepreneurship Monitor Global Report 2017/18 - GEM Global Report 2017/18), ngày càng có nhiều nữ giới tham gia vào kinh doanh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ giới tham gia vào kinh doanh khá cao, tuy nhiên đa số chỉ tham gia trong phạm vi kinh doanh cá thể. Ở khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ nữ giới là chủ doanh nghiệp chỉ bằng 1/3 so với nam giới. Doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thường có quy mô nhỏ và hoạt động trong các ngành dịch vụ. Nữ giới thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới khi tham gia vào kinh doanh, một phần vì hạn chế về năng lực, vì vậy cần có thêm những chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ và kỹ năng kinh doanh, giảm bớt các rào cản khi tham gia vào kinh doanh của nữ giới.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Dương

Kinh tế và chính trị Trung Quốc năm 2017, triển vọng 2018 (27/04/2018)

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 19) là sự kiện tiêu biểu trong đời sống chính trị Trung Quốc năm 2017. Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp cải cách mở cửa giai đoạn mới ở Trung Quốc. Tư tưởng Tập Cận Bình được khẳng định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2018. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các chức danh tương ứng được sắp xếp lại sau Đại hội 19, kỳ họp Chính Hiệp và Quốc hội khóa 13 năm 2018. Về kinh tế, Trung Quốc tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế. Trung Quốc đang tự tin bước vào thời đại mới. Bài viết tập trung làm rõ những điểm nổi bật trong kinh tế và chính trị Trung Quốc năm 2017 và triển vọng năm 2018.
Tác giả: Nguyễn Xuân Cường

Về chất lượng cuộc sống của lao động nữ di cư ở Việt Nam hiện nay (27/04/2018)

Di cư vừa được xem là động lực thúc đẩy, vừa là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Ở Việt Nam, dòng người lao động di cư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là người lao động di cư từ nông thôn đến thành thị, khu công nghiệp. Bài viết phân tích một số thông tin cơ bản về cuộc sống của hai nhóm phụ nữ di cư ở một số tỉnh thành ở nước ta, đó là nhóm công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhóm lao động tự do. Qua đó, chỉ ra những bấp bênh, rủi ro tiềm ẩn mà lao động nữ di cư đang phải đối mặt; và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ di cư.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Anh, Trương Thúy Hằng

Du lịch ẩm thực: Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ở Việt Nam (27/04/2018)

Du lịch ẩm thực (food tourism) là khái niệm mới xuất hiện trên thế giới được khoảng hai thập niên gần đây, song được nhiều quốc gia đón nhận và phát triển thành loại hình du lịch hấp dẫn, chỉ sau du lịch văn hóa và cảnh quan. Ở Việt Nam, du lịch ẩm thực mới được đề cập ở các bài viết và hội thảo, được một số đơn vị khai thác du lịch thực hiện, song chưa được chú trọng ở tầm chiến lược. Bài viết khái quát kinh nghiệm du lịch ẩm thực trên thế giới qua tổng quan tài liệu, từ đó làm rõ tình hình thực hiện ở Việt Nam thời gian qua và đề xuất một số khuyến nghị góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả: Vương Xuân Tình

Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội: Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học và văn hóa học (27/04/2018)

Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội đã có từ thế kỷ XX và hiện nay vẫn là xu hướng quan trọng trong thế kỷ XXI. Trong nghiên cứu liên ngành, văn học và văn hóa rất được chú trọng bởi văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Trong quá trình phát triển lịch sử, cũng như nhiều ngành khoa học khác, nghiên cứu văn học đã góp phần to lớn trong việc nhận thức về vai trò của văn hóa trong sáng tạo và tiếp nhận văn học cũng như trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, đã có không ít công trình nghiên cứu văn học đi sâu tìm hiểu bản sắc dân tộc, xem bản sắc dân tộc như là phẩm chất của văn học, và cũng có không ít những công trình nghiên cứu văn hóa xem trọng dẫn liệu văn học như những dấu hiệu, những tiêu chí góp phần làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bài viết tổng quan những cách thức nghiên cứu liên ngành văn học và văn hóa học để có được sự so sánh và thông tin đa chiều về phương pháp liên ngành trong khoa học xã hội.
Tác giả: Vũ Thị Mỹ Hạnh