Thực tiễn đổi mới và những yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt (02/10/2008)
Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu mà công cuộc Đổi mới đã đạt được trong 20 năm qua, bài viết cũng chỉ rõ những hạn chế và sai lầm đã xảy ra trong quá trình Đổi mới. Nguyên nhân của những hạn chế và sai lầm đó là do một bộ phận đội ngũ lãnh đạo, quản lý còn xa rời quan điểm chỉ đạo của Đại hội VI (1986) của Đảng là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”.
Nhu cầu nắm bắt thực tiễn, coi trọng thực tiễn, biết phân tích thực tiễn trở thành vấn đề thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết và quan trọng nhất là của cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị. Trong đó, những người lãnh đạo, quản lý công tác tổ chức, công tác giáo dục - đào tạo nhân lực có vai trò và trách nhiệm hàng đầu. Đó là những nội dung chính mà bài viết tập trung phân tích làm rõ.
Tác giả:
Trần Ngọc Hiên
Nghiên cứu phức hợp về con người từ M. Scheler đến E. Morin và I. T. Frolov (02/10/2008)
Vai trò đáng kể của tư duy phức hợp (complex thought) trong nghiên cứu con người, theo tác giả, được người ta biết đến bắt đầu từ I. Kant. Nhưng Kant mới chỉ là người đặt vấn đề. Kế thừa Kant, M. Scheler (1874-1928) thực sự là người khám phá và đòi hỏi phải tiếp cận phức hợp về con người để nghiên cứu con người đúng như sự tồn tại độc đáo và phức tạp của nó trong thế giới. Theo Scheler, cho tới thế kỷ XX, sự phát triển của khoa học đã làm cho việc nghiên cứu con người bị chia cắt vụn nát thành những mẩu nhỏ, đến nỗi người ta không thể hiểu được con người là gì. Do vậy, các khoa học phải liên kết lại trong một phương thức thống nhất, nếu muốn nhận thức đúng đắn về con người. Đây là phương thức tư duy phức hợp. Các trình độ khác của nó là tiếp cận phức hợp, nghiên cứu phức hợp - liên ngành.
Bài viết đi từ Scheler và phân tích khá kỹ những công trình nghiên cứu phức hợp về con người của E. Morin và I. T. Frolov. Nhưng, theo tác giả, người thành công nhất với tư duy phức hợp về con người là I. T. Frolov (1929-1999) một học giả Nga, người đã xây dựng Viện con người (1990) tại Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS). Bài viết phân tích khá kỹ quá trình tiếp thu tư duy phức hợp và vận dụng vào thực tế nghiên cứu ở Frolov.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Thời cơ vàng của chúng ta (02/10/2008)
Cuốn sách tập hợp một số bài viết được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet nhân đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng khắp cả nước đóng góp ý kiến cho Báo cáo Chính trị của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách gồm ba phần tập trung lý giải nhiều vấn đề cấp bách nhất đặt ra qua 20 năm Đổi mới ở nước ta và hầu như không tránh né điều gì, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất.
Tác giả:
Nhiều tác giả; Hoàng Hưng l.th.
Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam qua 20 năm đổi mới (02/10/2008)
Qua 20 năm đất nước thực hiện Đổi mới, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung đó. Các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng lên về chất lượng (vốn, năng động, sáng tạo trong kinh doanh và sản xuất, thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường, tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động xã hội, đổi mới trong quản lý…). Bài viết tập trung phân tích thực trạng các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ trong 20 năm qua và nêu ra một số giải pháp tiếp tục phát triển khu vực này.
Tác giả:
Phạm Ngọc Dũng
Hoạt động thư viện với việc tuyên truyền, khai thác các tài liệu văn kiện của Đảng (02/10/2008)
Công tác thư viện ở Viện Thông tin Khoa học xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người có thể đến khai thác cùng một lúc: tổ chức những đợt triển lãm sách báo có liên quan đến (những) vấn đề mà (những) Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa công bố đặt ra, tổ chức giới thiệu quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đảng bằng việc mời người được tham gia soạn thảo văn kiện có cách trình bày hấp dẫn giới khoa học, xây dựng kho mở dành cho tài liệu tra cứu có phân kho gồm các văn kiện Đảng, đặc biệt là có tủ riêng cho các văn bản liên quan đến khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng. Thời đại tin học hóa cho phép đưa ngay vào máy tính để mở ra là có thể khai thác ngay những trích đoạn có liên quan đến giới làm khoa học (phục vụ độc giả nói chung) và giới thông tin - thư viện (phục vụ cán bộ trong cơ quan và đồng nghiệp), nhất là khi trang điện tử của Viện Thông tin Khoa học xã hội đã đi vào hoạt động.
Tác giả:
Vương Toàn
Bàn về văn hoá tư pháp (02/10/2008)
Văn hoá tư pháp là phương thức hoạt động tư pháp của một dân tộc hay một cộng đồng với các thành tố chính là con người, thể chế và cơ sở vật chất - kỹ thuật của nó… Các yếu tố và sản phẩm của văn hóa tư pháp đều có tính hợp lý, văn minh, tính ổn định và định hướng giá trị trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Bài viết phân tích làm rõ nội hàm của khái niệm văn hoá tư pháp.
Tác giả:
Đỗ Minh Cương
Tăng trưởng mới của Ấn Độ (02/10/2008)
Ấn Độ - với tốc độ tăng trưởng mới đầy mê hoặc - là chủ đề được bàn luận nhiều nhất tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm 2006. Trong sáu tuần lễ ở Diễn đàn, thế giới có lẽ đã muốn quay sang đánh thức tiềm năng của Ấn Độ. Để có cái nhìn cụ thể về xu hướng này, tác giả bài viết đã phân tích những đặc thù dẫn tới thành công của Ấn Độ trong thời gian gần đây, đặc biệt là những thành tựu về kinh tế.
Tác giả:
Fareed Zakaria; Quang Anh l.th.
Hội nghị quốc tế các khoa học lịch sử lần thứ XX (02/10/2008)
Hội nghị quốc tế các khoa học lịch sử (MKIN) do Ủy ban quốc tế các khoa học lịch sử (ICHS - được thành lập năm 1926) tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần. MKIN XX là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức ở một nước nằm ngoài châu Âu và châu Mỹ. Hội nghị diễn ra ở Sydney (Australia) trong các ngày 03-09/06/2005. Tham dự Hội nghị có hơn 1200 đại biểu là các chuyên gia sử học đến từ 59 nước trên thế giới. Tại MKIN các nhà sử học đã cùng nhau tổng kết công tác nghiên cứu, thảo luận những vấn đề khoa học quan trọng nhất, tìm hiểu quan điểm của đồng nghiệp và động thái phát triển của các quan điểm sử học cũng như phân tích triển vọng phát triển của các công trình nghiên cứu sử học tiếp theo. Và cũng tại đây các nhà sử học có dịp để nhìn nhận rõ hơn các xu hướng cơ bản của sử liệu học thế giới trong thời gian tới.
Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội giới thiệu tóm tắt bài tổng thuật về MKIN XX của các tác giả Bibikov M. V., Tishkov V. A., Volkov V. K. đăng trong tạp chí Lịch sử Cận đại và Hiện đại (Nga).
Tác giả:
Bibikov M. V., Tishkov V. A., Volkov V. K.; Hạ Vân l.th.