Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại (Tổng kết Hội thảo quốc tế kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ) (15/06/2014)

Cùng với tinh thần cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014), ngày 5/5/2014, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Đây là dịp đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ôn lại bài học về sức mạnh của chiến tranh nhân dân chống xâm lược, của ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, từ đó rút ra những bài học cần thiết để các dân tộc cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển, tránh xảy ra những hành động chiến tranh trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nội dung bài viết là kết quả tổng kết các bài tham luận của các diễn giả trình bày tại Hội thảo về sức mạnh của Việt Nam và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tác giả: Trần Đức Cường

Vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam (15/06/2014)

Các cơ chế thực hiện dân chủ trực tiếp được các nhà kinh điển Marx-Lenin và Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến bao gồm: 1- nhân dân tham gia thành lập bộ máy nhà nước thông qua bầu cử và ứng cử, 2- nhân dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý kiến, 3- nhân dân tham gia quản lý nhà nước, 4- nhân dân bãi miễn đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, 5- nhân dân giám sát hoạt động của nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, 6- nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo tác giả bài viết, trong xu hướng mở rộng và phát triển dân chủ hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp đã được quy định trong pháp luật hiện hành; cần nghiên cứu, bổ sung và thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp mới như Luật Trưng cầu ý dân, pháp luật về phản biện xã hội, pháp luật về biểu tình.
Tác giả: Tào Thị Quyên

Gustave Dumoutier với lịch sử và văn hóa Việt Nam (15/06/2014)

Gustave Dumoutier (1850-1904) là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên, một học giả có tài, một con người gắn bó và yêu mến lịch sử văn hóa Việt Nam. Là nhà Đông phương học đầy nhiệt huyết, ông chủ trương hợp tác với giới nho sĩ Việt Nam, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam truyền thống, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ quốc ngữ. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa Việt nói chung và Hà Nội nói riêng.
Tác giả: Nguyễn Văn Trường

Về việc bảo đảm quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp (15/06/2014)

Bài viết góp phần làm rõ nội dung cơ bản của quyền văn hóa nói chung và quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa nói riêng; phân tích những thách thức và hạn chế của việc bảo đảm quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa; từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm tăng cường việc bảo đảm và thực hiện hiệu quả quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả: Hoàng Văn Nghĩa, Trần Thị Hằng

Tư tưởng về quyền con người trong Quốc triều hình luật (15/06/2014)

Quyền sở hữu tài sản; việc bảo vệ quyền sở hữu và quyền bình đẳng về tài sản cho phụ nữ; tư tưởng về mở rộng và tôn trọng các quyền giao dịch dân sự; tư tưởng về quyền học tập, thi cử; tư tưởng về nhân đạo hay quyền được nhà nước chăm lo khi ốm đau, dịch bệnh, khi bị cô quả, tàn tật, lúc về già không nơi nương tựa; tư tưởng về quyền được công lý bảo vệ… là những nội dung, tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong Quốc triều hình luật, thể hiện triết lý hành động hướng đến bảo vệ người dân của Vua Lê Thánh Tông, đồng thời thể hiện tầm nhìn và một tư duy lập pháp vượt trước của ông trong việc coi trọng và đề cao tính thượng tôn của pháp luật.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà

Truyền thống hiếu học của người Việt trước tác động của toàn cầu hóa (15/06/2014)

Truyền thống hiếu học là một trong những truyền thống quý báu đã được người Việt hun đúc qua bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu, toàn cầu hóa có khả năng làm năng động hóa nhưng cũng có thể làm rối loạn, đảo lộn các giá trị truyền thống, trong đó có truyền thống hiếu học. Do đó, vấn đề gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học của người Việt rất cần được quan tâm. Đây chính là vấn đề mà nội dung bài viết muốn hướng tới.
Tác giả: Nguyễn Thị Tố Quyên

Thơ Nôm của các chúa Trịnh nhìn từ phương diện hình thức thể loại (15/06/2014)

Một số đặc điểm về phương diện hình thức thể loại thơ Nôm của các chúa Trịnh: số chữ trong một câu, vị trí câu thơ lục ngôn trong bài thất ngôn, số câu thơ (dòng thơ) trong một bài, cách gieo vần và hài thanh, cách ngắt nhịp, cách sử dụng điển tích, điển cố, thi liệu Hán học… đã được tác giả bài viết khảo sát, phân tích, ngõ hầu nhận diện những đặc trưng bản sắc sở thuộc của dòng thơ ca Trịnh phủ.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Hoàng

Chúa tể biển cả (15/06/2014)

Bài viết đề cập đến một số quan điểm của Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền biển đảo nói chung và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 nói riêng, đặc biệt nhấn mạnh việc Trung Quốc công khai bám riết lập luận pháp lý của John Selden (1584-1654) - Luật gia người Anh - biện minh cho hành động xâm chiếm đại dương của các quốc gia; và lợi dụng tấm bản đồ ký hiệu MS Selden Supra 105 - mô tả hệ thống hàng hải từ Phúc Kiến, Trung Quốc đến Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và một phần Ấn Độ vào thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Thư viện Bodleian (Đại học Oxford, Anh) - để phục vụ ý đồ bành trướng biển Đông.
Tác giả: Keith Johnson; Tùng Lê, Hương Thảo d. và h.đ.