Những đổi mới nhận thức, quan điểm của Đảng đối với hội nhập kinh tế quốc tế sau hơn 30 năm đổi mới tại Việt Nam (29/05/2018)

Qua hơn 30 năm đổi mới, nhận thức, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế đã từng bước được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, đem lại những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện quan điểm, định hướng và giải pháp về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới phù hợp với bối cảnh mới.
Tác giả: Trần Nguyễn Tuyên

Liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân: Lý thuyết và một số điển hình tại Việt Nam (29/05/2018)

Bài viết tập trung tổng quan một số vấn đề lý thuyết về liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời tìm hiểu và phân tích một số điển hình tại Việt Nam nhằm làm rõ các ưu điểm và tồn tại của liên kết này. Từ đó, dựa trên thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, bài viết gợi ý một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại để củng cố và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Tác giả: Vũ Ngọc Quyên

An ninh chủ quyền biển của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay (29/05/2018)

Biển Đông - vùng biển quan trọng của giao thương quốc tế - hiện đang diễn ra những tranh chấp gay gắt, nguyên do chủ yếu xuất phát từ tham vọng địa chính trị biển của Trung Quốc. Tình hình đó đang đặt ra những vấn đề về an ninh trên Biển Đông, không chỉ đối với các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp mà còn đối với khu vực và quốc tế. Việt Nam là đối tượng chính bị tranh chấp biển, nên sự an nguy của Biển Đông ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong sự phát triển của quốc gia dân tộc. Các tác giả bài viết chủ yếu đề cập đến một số nội dung đặt ra từ phương diện an ninh chủ quyền biển của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay.
Tác giả: Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Lan

Tục thờ vật tổ và biểu hiện của nó trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái (29/05/2018)

Trong xã hội cổ truyền của các cộng đồng người, tục tôn kính một loài động vật hay thực vật nào đó với quan niệm như là nguồn cội lịch sử của tộc người, gọi là tục thờ vật tổ (thuật ngữ phổ biến là totem). Bài viết giới thiệu và phân tích một số quan điểm của các nhà nghiên cứu về tục thờ totem; những biểu hiện và ứng xử của các cộng đồng người nói chung đối với totem và ý nghĩa xã hội của tín ngưỡng này. Đi sâu tìm hiểu một trường hợp cụ thể, bài viết bàn về tục thờ totem ở tộc người Thái ở Việt Nam - một trong những tộc người còn duy trì đời sống tâm linh khá phong phú.
Tác giả: Lê Hải Đăng

Về mối quan hệ vợ chồng trong gia đình Việt Nam hiện nay (29/05/2018)

Trong các mối quan hệ gia đình ở Việt Nam hiện nay, quan hệ vợ chồng được xem là mối quan hệ mang tính nền tảng, có ảnh hưởng nhất định đến hạnh phúc, độ bền vững và phát triển của gia đình nói chung. Mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống gia đình thường được thể hiện ở nhiều khía cạnh/lĩnh vực khác nhau như phân công lao động theo giới; người chủ gia đình, quản lý và quyền ra các quyết định trong gia đình; đời sống tình dục vợ chồng, quan hệ tình dục ngoài vợ, chồng; vấn đề ly hôn... Bài viết cung cấp một số kết quả nghiên cứu về gia đình theo các khía cạnh trên.
Tác giả: Bùi Thị Hồng

Thực trạng nhận thức của giáo viên mầm non về đặc điểm tâm lý trẻ phổ tự kỷ (29/05/2018)

Rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật phát triển gây ra bởi những khác biệt trong não bộ. Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ thể hiện tương đối rõ trong giai đoạn trẻ từ 2 đến 6 tuổi - chủ yếu thuộc giai đoạn tuổi mầm non. Việc nhận biết các đặc điểm, biểu hiện của trẻ phổ tự kỷ có thể giúp đưa ra được những dự báo và tìm cách can thiệp sớm nhất có thể. Bài viết phân tích thực trạng nhận thức của giáo viên mầm non hiện nay về đặc điểm tâm lý trẻ tự kỷ trên cơ sở khảo sát thực tế tại thành phố Đà Nẵng.
Tác giả: Nguyễn Thị Hằng Phương, Lê Thị Phi

Chất lượng nguồn nhân lực và vấn đề việc làm vùng Tây Nam bộ qua 30 năm đổi mới (29/05/2018)

Chất lượng nguồn nhân lực của vùng Tây Nam bộ đã được cải thiện qua các thời kỳ của 30 năm sau Đổi mới, tuy nhiên, tỷ lệ người lao động qua đào tạo của vùng vẫn thấp nhất cả nước. Điều này dẫn tới một thực trạng là tỷ lệ người có việc làm thấp, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp của vùng cao nhất cả nước. Bài viết tập trung mô tả biến đổi của lực lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của vùng Tây Nam bộ trong 30 năm đổi mới, mối liên hệ giữa chất lượng nguồn nhân lực và thực trạng việc làm của vùng, và đưa ra một số kiến nghị giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, việc làm đối với vùng Tây Nam bộ.
Tác giả: Trần Thị Thanh Tuyến