Về mô hình phát triển Đông Á và Đông Nam Á: trách nhiệm của nhà nước và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm của bốn con rồng (19/06/2009)
“Mô hình phát triển Đông Á” và “Mô hình phát triển Đông Nam Á” là hai khái niệm được David Dapice và các chuyên gia Harvard sử dụng trong báo cáo tư vấn cho Chính phủ Việt Nam 2008. Báo cáo chỉ ra những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Á khác trong quá trình trở thành các nước công nghiệp hóa mới (NICs), các nền kinh tế công nghiệp hóa mới (NIEs) và những kinh nghiệm thất bại (tương đối) của các nước Đông Nam Á đến nay vẫn chưa (hoặc không) vượt qua được cái bẫy của sự phát triển. Bài viết bàn về khả năng ứng dụng những bài học kinh nghiệm này và cố gắng tìm kiếm gợi ý cho sự phát triển ở Việt Nam từ góc độ văn hóa và con người, với các nội dung: 1) Tham vọng của thời tăng trưởng và những lời cảnh báo; 2) Rồng, hổ Đông Á và những bài học gây ấn tượng; 3) “Mô hình Đông Á và Đông Nam Á” của David Dapice và các cộng sự; 4) Các gợi ý cho Việt Nam.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hôm nay và mai sau (19/06/2009)
Nội dung cuốn sách gồm bốn phần chính cung cấp hình dung sơ lược về thực trạng các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong 20 năm đổi mới (1986-2007), phân tích những thành tựu, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đề xuất những định hướng và kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Tác giả:
Đặng Kim Sơn; Trần Thành l.th.
Đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng nông thôn nước ta hướng tới một xã hội năng động, phân tầng hợp thức và văn minh (19/06/2009)
Trên cơ sở phân tích lý luận và đánh giá đúng đắn thực trạng xã hội nông thôn, chỉ ra xu hướng cũng như những nhân tố tác động đến cấu trúc phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ở nông thôn Việt Nam, tác giả nhấn mạnh 9 giải pháp, kiến nghị nhằm làm sáng rõ nội dung thực chất của phân tầng xã hội hợp thức trên bình diện cả nước nói chung, ở xã hội nông thôn nói riêng; làm rõ mặt tiêu cực của phân tầng xã hội không hợp thức; xây dựng một mô hình phân tầng xã hội hợp thức gắn với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp của đất nước, hướng tới một xã hội năng động, phân tầng hợp thức và văn minh.
Tác giả:
Nguyễn Đình Tấn
Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/06/2009)
Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được tổ chức tại Hà Nội với 60 báo cáo khoa học làm rõ lịch sử ra đời, vai trò và ý nghĩa của tác phẩm - một di huấn tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quý giá và sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã phân tích quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân dưới các góc nhìn khác nhau (văn hóa, lịch sử, xây dựng Đảng), rút ra những nội dung, luận điểm cơ bản của Người; đồng thời làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn của hai nhóm giải pháp toàn diện, có tính nguyên tắc đối với toàn Đảng và đối với Đảng viên.
Tác giả:
Nguyễn Văn Tiến t.th.
Một số kết quả cải cách hành chính ở Nhật Bản (19/06/2009)
Bài viết khái quát diễn biến và một số kết quả chủ yếu trong thực tiễn cải cách hành chính ở Nhật Bản từ khoảng thập niên 90 đến nay với việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nội các và Thủ tướng; phân quyền và cải cách chính quyền địa phương; tinh giản bộ máy hành chính; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức; và cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp hành chính.
Tác giả:
Vũ Kiều Oanh
Báo cáo của Ngân hàng thế giới về kinh tế Trung Quốc năm 2008 (19/06/2009)
Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2008 có những điểm đáng chú ý sau đây: tồn tại sự chênh lệch khá lớn giữa các ngành xuất khẩu khác nhau, mức tăng đầu tư chậm lại, xuất hiện sự suy giảm rõ rệt trong ngành bất động sản, kéo theo sự suy giảm của các ngành nguyên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng đến mức nợ của ngành ngân hàng và hộ gia đình, đến mức tăng trưởng kinh tế và thu nhập của chính quyền các địa phương, tiêu dùng trong nước đảm bảo ổn định, dự trữ ngoại tệ duy trì đà tăng trưởng, lạm phát bị đẩy lùi và được kiểm soát, thị trường cổ phiếu chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới. Trên cơ sở khái lược tình hình này, bài viết đề cập đến chương trình chính sách trọn gói 10 điểm của Trung Quốc nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới và nêu một số nhận định bước đầu của Ngân hàng thế giới về chương trình này.
Tác giả:
Ngân hàng thế giới; Phạm Sỹ Thành l.th.
Phần mềm thư viện số Greenstone và vấn đề ứng dụng trong thực tiễn (19/06/2009)
Bài viết đề cập đến một số ưu điểm, các tính năng, các bước xây dựng bộ sưu tập số và cách tìm kiếm thông tin số dựa trên Greenstone - một phần mềm mã nguồn mở đa ngôn ngữ, sản phẩm của Dự án thư viện số New Zealand tại trường Đại học Waikato cùng với sự hợp tác của UNESCO và Human Info NGO.
Tác giả:
Nguyễn Thị Loan