Marx trong thế kỷ XXI và những tư tưởng lớn của Marx về con người (20/07/2018)
Trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, bài viết cung cấp thông tin về thái độ của cộng đồng thế giới đối với Marx trong những năm gần đây.
Những tư tưởng lớn của Marx về con người được tác giả tập trung trình bày và đánh giá giá trị đối với thời đại ngày nay là: 1) Con người là thực thể tự nhiên có tính người; 2) Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người; 3) Con người là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ; 4) Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội; 5) Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Đó là những tư tưởng thực sự có chiều kích vĩ đại. Ngày nay những tư tưởng này vẫn đang là tiền đề lý luận thực sự cốt lõi của nhiều khoa học về con người. Trong đời sống hiện thực, những tư tưởng này cũng là những chỉ dẫn thế giới quan và phương pháp luận cơ bản của nhiều lý thuyết xã hội.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Về vấn đề người Rohingya theo Islam giáo ở Myanmar (20/07/2018)
Với 135 tộc người khác nhau về nguồn gốc và sự tồn tại của các tôn giáo lớn như Phật giáo, Kito giáo, Islam giáo, lịch sử phát triển của Myanmar một phần rất lớn bị chi phối bởi các cuộc đấu tranh tộc người, tôn giáo. Trong đó, cuộc xung đột giữa các Phật tử Miến Điện đa số và cộng đồng người Islam giáo thiểu số Rohingya vẫn đang diễn ra rất gay gắt và có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng di cư trong lịch sử quốc gia này. Chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc cực đoan cộng với tư tưởng bài trừ Islam giáo khiến tình hình trở nên khó lường hơn. Chính bởi vậy, vấn đề người Rohingya có được giải quyết hay không chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực nhân đạo của Chính phủ Myanmar, cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tác giả:
Lê Hải Đăng, Nguyễn Thị Lê
Xã hội nhường nhịn - Từ tiếp cận khái niệm và nhận thức của người dân (20/07/2018)
Trong một xã hội có không ít hiện tượng thiếu nhường nhịn đang xảy ra như ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu về sự nhường nhịn và đo lường nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay là cần thiết. Trong phạm vi bài viết, tác giả tiếp cận khái niệm nhường nhịn và, ở mức độ nhất định, làm rõ nhận thức của người dân về sự nhường nhịn hiện nay từ kết quả khảo sát thực tế.
Tác giả:
Phan Tân
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế tri thức (20/07/2018)
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để tạo động lực cho sự phát triển nền kinh tế tri thức, các quốc gia đều chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là lực lượng tiên phong quyết định sự thành bại của Việt Nam trên con đường phát triển đột phá hướng tới hình thành nền kinh tế tri thức trong tương lai. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay chưa có nhiều đột phá, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong giáo dục - đào tạo. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng nền kinh tế tri thức hiện nay ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức trong bối cảnh mới.
Tác giả:
Nguyễn Thị Hiền
Tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hóa bác học và văn hóa bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều (20/07/2018)
Bài viết nghiên cứu những tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa bác học và văn hóa bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Qua nội dung nghiên cứu, tác giả xác định rõ những đặc điểm cụ thể của văn hóa bác học và văn hóa bình dân được thể hiện trong tác phẩm này. Từ đó xác định những giá trị văn hóa của tác phẩm trong tiến trình phát triển của truyện thơ Nôm nói riêng và văn học cổ điển Việt Nam nói chung.
Tác giả:
Võ Minh Hải
Cấu trúc trong quan điểm của Chủ nghĩa hiện thực mới: Từ xã hội học tới Kenneth Waltz (20/07/2018)
Cấu trúc là một giả định lớn trong nghiên cứu quan hệ quốc tế. Khái niệm này được phát triển từ xã hội học và được Kenneth Waltz tiên phong áp dụng vào quan hệ quốc tế. Cả ba nội dung lớn trong cấu trúc xã hội là mẫu hình quan hệ chung, sự phân bố năng lực và luật lệ đều được kế thừa sang cấu trúc quốc tế. Tuy nhiên, do sự khác nhau giữa hệ thống xã hội và hệ thống quốc tế nên cấu trúc quốc tế không giống cấu trúc xã hội.
Tác giả:
Hoàng Khắc Nam
Một số nội dung nghiên cứu về văn hóa Óc Eo từ nguồn tư liệu tại Thư viện Khoa học xã hội (20/07/2018)
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ có trình độ phát triển cao, phân bố trên một không gian rộng lớn của toàn vùng Nam bộ. Đây là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Di tích Óc Eo - Ba Thê được nhiều nhà khoa học khẳng định là một cảng thị quan trọng, có mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia. Qua khảo sát nguồn tư liệu quý tại Thư viện Khoa học xã hội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đặc biệt là các tài liệu do EFEO để lại, bài viết tập trung làm rõ các nội dung: Văn hóa Óc Eo trong vương quốc Phù Nam; Hoạt động kinh tế của cư dân Óc Eo; Vấn đề xã hội, con người, văn hóa, tôn giáo của Óc Eo.
Tác giả:
Phạm Thu Trang