Nguồn gốc của những biến đổi xã hội nông thôn Việt Nam và phương hướng phát triển (30/09/2008)
Có thể nói, nông thôn là nơi khởi đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Sau 20 năm, xã hội nông thôn đã có nhiều biến đổi tích cực, nhưng cũng đã bộc lộ ngày càng rõ “gót chân Asin” của một xã hội nông nghiệp lạc hậu lại trải qua sự tàn phá của nhiều cuộc chiến tranh. Sự biến đổi xã hội nông thôn là do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… trong đó tác động của “đô thị hoá, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa” chỉ là một phần của tác động tổng hợp nói trên.
Vì vậy, cần làm rõ nguồn gốc của những biến đổi xã hội nông thôn Việt Nam trong bối cảnh thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó nhận rõ những xu hướng tất yếu phát triển nông thôn trong chiến lược phát triển chung của đất nước. Đó là những nội dung chính của bài viết.
Tác giả:
Trần Ngọc Hiên
Các tổ chức xã hội dân sự trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (30/09/2008)
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm, đặc trưng của các tổ chức xã hội dân sự, song thực tế là trong năm 2006, ở Việt Nam đã có thêm 21 hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và 417 hội có phạm vi hoạt động ở địa phương được thành lập. Các hội, hiệp hội đã có những đóng góp nhất định trong việc phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các thành viên, hội viên, tham gia phát triển kinh tế, cung ứng dịch vụ công; từ thiện nhân đạo, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân… Điều đó cho thấy tính khách quan của việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Đồng thời điều đó cũng làm lộ ra một số vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết trong tổ chức và hoạt động cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội dân sự.
Tác giả:
Nguyễn Minh Phương
Về đầu tư nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam (30/09/2008)
Đầu tư nước ngoài bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, vốn nước ngoài thường do nhà đầu tư trực tiếp đưa vào sản xuất kinh doanh và trực tiếp quản lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Việc đầu tư gián tiếp chưa thu hút và phát triển được bao nhiêu. Trên cơ sở những tư liệu công bố gần đây, bài viết đề cập đến tình hình đầu tư gián tiếp nước ngoài và một số giải pháp nhằm tăng cường đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam.
Tác giả:
Lê Vân Ý
Việt Nam - ngôi sao mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu (30/09/2008)
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 diễn biến theo động thái có lẽ không bao giờ lặp lại. Hiện nay thông tin tràn ngập về các công ty niêm yết đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Nhưng với những đánh giá ở khía cạnh tổng quát, bài viết phân tích chiều sâu của tính thanh khoản (liquidity) và phát hiện thấy dòng tiền đang chảy vào đây có thể tiềm ẩn những tác động bất lợi.
Tác giả:
Chris Wright; Thu Huyền d.
Cục diện châu Á - Thái Bình Dương (30/09/2008)
Bước vào thế kỷ XXI, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên như một điển hình của sự tăng trưởng nhanh và năng động, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới về kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá… Là một quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đương nhiên chịu sự chi phối về nhiều mặt của khu vực này. Đó là những chủ đề chính của cuốn sách “Cục diện châu Á - Thái Bình Dương”. Sách gồm bốn chương phác thảo bức tranh tổng thể về cục diện khu vực, trọng tâm là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, sẽ đem lại cho bạn đọc những thông tin bổ ích về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của khu vực.
Tác giả:
Dương Phú Hiệp, Vũ Văn Hà ch.b.; Mai Diên l.th.
Từ viện trợ đến hợp tác kinh tế: bài học rút ra từ chính sách của Nhật Bản (30/09/2008)
Bài viết xem xét lại chính sách viện trợ của Nhật Bản trong một giai đoạn dài và từ đó rút ra những bài học về tính hiệu quả của viện trợ. Trên thực tế, chính sách viện trợ của Nhật Bản đưa lại một quan điểm về viện trợ và phát triển khác hẳn với quan điểm viện trợ của phương Tây. Sự phân tích tính logic và kết cấu của viện trợ Nhật Bản chỉ ra những lợi ích tiềm tàng của việc hợp lý hoá kinh tế rộng rãi hơn của các chương trình trợ giúp và sự kết nối giữa các khu vực nhà nước và tư nhân. Viện trợ sẽ hiệu quả hơn nếu nó được đặt trong một chương trình rộng hơn về hợp tác kinh tế, với sự năng động trong trao đổi và đầu tư.
Tác giả:
Séverine Blaise; Đỗ Tiến Đạt l.th.
Về mối quan hệ giữa triết học và tôn giáo (30/09/2008)
Triết học và tôn giáo là hai hình thái ý thức xã hội mang tính đa dạng, phức tạp xét về mọi phương diện: nguồn gốc hình thành, nội dung hàm chứa, đối tượng phản ánh, phương thức biểu đạt, phương pháp tiếp cận, chức năng xã hội, hình thái biểu hiện và lịch sử phát triển. Để hiểu mối quan hệ giữa hai hình thái ý thức xã hội này, bài viết bắt đầu bằng việc phân tích quan hệ giữa thế giới quan thần thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học. Xuất phát từ đó, bài viết xem xét mối quan hệ này qua các giai đoạn lịch sử khác nhau từ Cổ - Trung đại đến thế kỷ XX.
Tác giả:
Lê Công Sự