Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (15/10/2015)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được tái khẳng định trong Hiến pháp 2013. Bài viết góp phần làm rõ thêm những yêu cầu trong thực tiễn đổi mới và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Duy Quý

Tư duy học - một giới thiệu dẫn nhập (15/10/2015)

Tư duy học (Thinking Studies) là một bộ môn học thuật (lý luận và khoa học) rất mới mẻ ở tầm quốc gia và cả quốc tế, dựa trên hai nền tảng là Triết học tư duy (Thinking Philosophy) và Khoa học tư duy (Thinking Science), thực hiện cả ba chức năng: nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng. Tư duy học có thể được quan niệm bao gồm ba bộ phận hợp thành: 1- Tư duy học chuyên biệt (Specialized Thinking Studies), 2- Tư duy học đại cương (General Thinking Studies), và 3- Cơ sở tư duy học đương đại (Foundation of Contemporary Thinking Studies).
Tác giả: Tô Duy Hợp

Tổng tích hợp lý thuyết kinh tế học và xã hội học trong nghiên cứu phân tầng xã hội (15/10/2015)

Phân tầng xã hội diễn ra trên nhiều chiều cạnh kinh tế - xã hội khác nhau. Do vậy, cần vận dụng cách tiếp cận tổng tích hợp các lý thuyết khác nhau khi nghiên cứu phân tầng xã hội. Trong đó, nổi bật là cách tiếp cận tổng tích hợp lý thuyết kinh tế học - xã hội học và xã hội học - kinh tế học với một số lý thuyết kinh điển và hiện đại về nguồn gốc của sự giàu có, lý thuyết về tăng trưởng và phát triển dựa trên các yếu tố kỹ thuật, quyền tự do, thiết chế, vốn con người, vốn sáng tạo và các loại vốn phi vật thể khác. Từ góc độ tổng tích hợp lý thuyết, có thể xem xét phân tầng xã hội về tiền lương của những người làm công ăn lương ở Việt Nam như một trường hợp nghiên cứu cụ thể. Điều này gợi ra các hướng nghiên cứu tiếp theo về việc vận dụng tổng tích hợp các lý thuyết về vốn con người, vị thế trong cấu trúc của hệ thống sản xuất kinh doanh, chức năng nghề nghiệp để có thể nắm bắt được các chiều cạnh và các xu hướng của phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Lê Ngọc Hùng

Xóa đói giảm nghèo ở Ba Vì giai đoạn 2011-2015 và một số vấn đề đặt ra (15/10/2015)

Xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội là hai vấn đề của một quá trình, có quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau trong suốt quá trình phát triển. Hiểu rõ mối quan hệ, vai trò của từng vấn đề để có cách nhìn tổng quát nhất, hệ thống nhất và chính xác nhất trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương, từng nhóm dân cư… nói riêng là hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của quốc gia, của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi nhóm dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo. Nội dung bài viết góp phần cho thấy rõ yêu cầu nêu trên thông qua việc làm sáng tỏ một số kết quả trong công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Ba Vì, Hà Nội giai đoạn 2011-2015.
Tác giả: Hoàng Thị Bích Ngọc

Xóa đói giảm nghèo ở vùng người Chăm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (15/10/2015)

Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng xóa đói giảm nghèo ở vùng người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trên cơ sở đó đặt ra một số vấn đề đối với chính sách và thực tiễn sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở khu vực này. Với các kiến nghị mang tính giải pháp, bài viết góp phần định hướng công tác triển khai chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về người Chăm, góp phần phát triển vùng đồng bào Chăm toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lẫn an ninh, quốc phòng.
Tác giả: Mã Điền Cư

Hát đúm của người Thổ và vấn đề giữ gìn, bảo tồn trong bối cảnh hiện nay (15/10/2015)

Hát đúm là một hình thức giao duyên nam nữ, một sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng của người Thổ, còn được gọi là hát em ôi. Nội dung bài viết góp phần làm rõ quan niệm, nguồn gốc, ca từ, giá trị nhân văn và những sinh hoạt trong hát đúm của người Thổ ở xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; nêu một số đánh giá chung về hiện trạng phát triển và đề xuất một số giải pháp giúp bảo tồn loại hình văn hóa truyền thống này.
Tác giả: Trịnh Hữu Anh, Trần Đức Tùng

Sự khác biệt về văn hóa chính trị và những xung đột quốc tế (15/10/2015)

Các sự kiện kịch tính của Ukraine đang phá vỡ trật tự thế giới hiện hữu và chưa được đánh giá đầy đủ về bản chất. Tình hình chỉ được xem xét thuần túy về mặt chính trị và ít được thảo luận ở mức độ lý luận. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về một số quan điểm của các nhà nghiên cứu người Mỹ giúp nhận thức sự khác biệt về văn hóa chính trị giữa Nga và phương Tây, giúp tìm hiểu cuộc xung đột “phương Tây - phi phương Tây”, khẳng định mô hình hiện đại hóa kiểu phương Tây không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của quá trình hiện đại hóa ở nhiều quốc gia không thuộc phương Tây, trước hết là ở Nga và Trung Quốc. Tạp chí Thông tin KHXH giới thiệu phần kết của bài viết.
Tác giả: V. G. Fedotova; Nguyễn Thị Kim Anh d.