Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và vấn đề “nói” và “làm” của cán bộ, đảng viên hiện nay (23/10/2008)

“Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là vấn đề “nói” và “làm” của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ trong đảng, chính quyền, các đoàn thể cách mạng và các lực lượng vũ trang nhân dân trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Bài viết tìm hiểu tư tưởng “nói” và “làm” trong “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phân tích một số vấn đề đặt ra và biện pháp giải quyết đối với công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Tác giả: Lại Ngọc Hải

Tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hoá và con người ở một số nước Đông Á (23/10/2008)

Bài viết tìm hiểu những nhân tố thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh tài chính, an ninh năng lượng, dịch bệnh truyền nhiễm, di dân bất hợp pháp, v.v…; phân tích tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hoá và con người ở một số nước Đông Á; đồng thời đề cập đến trách nhiệm phòng ngừa tác động của những hiện tượng thuộc nhân tố an ninh phi truyền thống đối với việc phát triển văn hoá và con người.
Tác giả: Lê Văn Cương

Đời sống văn hoá của người Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới (23/10/2008)

Sau hai mươi năm đổi mới và hội nhập, văn hoá Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc theo hướng nâng cao, trở nên phong phú hơn, cởi mở hơn. Điều đó thể hiện ở những đổi mới về đường lối, chủ trương, chính sách; ở sự tiếp thu các giá trị văn hoá thế giới làm giàu cho văn hoá Việt Nam; ở sự phục hồi và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Tìm hiểu những biến đổi trong đời sống văn hoá của người Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới, tác giả cũng đồng thời xem xét những vấn đề nảy sinh trong việc kế thừa truyền thống và tiếp thu văn hoá thế giới và khẳng định: đã đến lúc chúng ta cần chấn chỉnh tất cả những hiện tượng tiêu cực hiện tồn để xây dựng một nền văn hoá nhân văn, dân chủ và nhân quyền.
Tác giả: Nguyễn Văn Dân

Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập (23/10/2008)

Trong quá trình hội nhập, đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản phẩm hàng hoá làm ra được tiêu thụ dễ dàng hơn, hội nhập quốc tế mang lại nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, làm giàu vốn văn hoá. Nhưng bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, văn hoá truyền thống dần bị mai một, môi trường suy thoái và tình trạng tội phạm, các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, đe doạ ổn định xã hội và khối đoàn kết các dân tộc. Những tác động tích cực, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam trong thời gian qua được bài viết trình bày khái quát, từ đó rút ra một số giải pháp khuyến nghị giúp các vùng dân tộc và thiểu số vận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới hội nhập sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Tác giả: Phan Văn Hùng

Vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống chính trị các nước phương Tây (23/10/2008)

Trong giai đoạn hiện nay, ở các nước tư bản phát triển, truyền thông đại chúng đang trở thành phương tiện chính thống giải thích thực tại xã hội. Qua các sự kiện, bình luận, truyền thông đại chúng xác định những hình ảnh khuôn mẫu trong công chúng, hình thành định hướng chính trị trong xã hội. Là phương tiện chủ yếu tuyên truyền hệ tư tưởng chính trị, truyền thông đại chúng thiết lập và củng cố thông tin trong công chúng, hợp pháp hoá các thể chế quyền lực. Truyền thông đại chúng là một nhân tố của sự kiểm soát xã hội, được giới cầm quyền sử dụng để hợp pháp hoá các chính sách, ổn định hoá hệ thống chính trị và kinh tế.
Tác giả: Lưu Văn An

Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hoá - xã hội ở Việt Nam (23/10/2008)

Cuốn sách đề cập đến sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam với hai đại diện tiêu biểu là điện thoại di động và Internet; điểm qua một số phương diện lý thuyết trong việc nghiên cứu phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam; và phân tích những thay đổi văn hoá - xã hội dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới với 12 điểm được xem là cơ bản nhất: sự thay đổi trong giao tiếp của cá nhân và xã hội, ”cái tôi” trong xã hội gia tăng, sự thay đổi của không gian xã hội và cá nhân, sự thay đổi của giải trí, dân chủ hoá đời sống xã hội, sự hỗn loạn của thông tin và việc hình thành các tiểu văn hoá, sự thay đổi cách truyền đạt tri thức trong xã hội, khoảng cách số trong xã hội, những hình thức phạm tội mới nảy sinh, thay đổi cách thức kinh doanh, cung cấp dịch vụ, những nhu cầu mới, lối sống mới, những ngôn ngữ mới, và những thay đổi tâm lý cá nhân.
Tác giả: Bùi Hoài Sơn; Hoài Phúc l.th.

Chức năng xã hội của nhà nước hiện đại (23/10/2008)

Trên cơ sở khái quát lại sự hình thành và phát triển của thị trường và những mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác giả bài viết khẳng định vai trò to lớn của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; đi sâu phân tích các chức năng cơ bản, những hướng hoạt động quan trọng nhất của nhà nước; đồng thời làm rõ những nét đặc thù của việc cấp kinh phí từ ngân sách cho các hoạt động của nhà nước và quy mô tác động của nhà nước tới nền kinh tế và lĩnh vực xã hội hiện nay.
Tác giả: Iurii Knjazev; Vũ Xuân Mai l.th.