15/08/2022
1. Đo lường dựa trên cách tiếp cận tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh, theo quan điểm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi đảm bảo các tài sản tự nhiên tiếp tục đáp ứng được các dịch vụ có liên quan đến tài nguyên và môi trường mà chúng ta cần có để phát triển thịnh vượng. Để hiện thực hóa điều này, tăng trưởng xanh phải thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững cũng như tạo ra các cơ hội kinh tế mới.” Cách tiếp cận thông qua đo lường tăng trưởng xanh tập trung vào lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, cho biết mối quan hệ tương tác giữa nền kinh tế, nền tảng tài sản tự nhiên qua các chính sách can thiệp. Các chỉ số tăng trưởng xanh của OECD nhằm giám sát tiến trình thực hiện bốn mục tiêu: (i) nền kinh tế carbon thấp và sử dụng tài nguyên hiệu quả; (ii) duy trì nền tảng tài sản thiên nhiên; (iii) cải thiện chất lượng cuộc sống của con người; (iv) áp dụng chính sách phù hợp nhằm hiện thực hóa các cơ hội tăng trưởng kinh tế xanh.
2. Đo lường dựa trên cách tiếp cận phát triển bền vững
Đo lường phát triển kinh tế là một trong sáu nhóm chủ đề thuộc Bộ chỉ số đo lường phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB). Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên việc giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của các quốc gia, trong đó nhấn mạnh các vấn đề phát triển toàn cầu và chống đói nghèo, với số liệu thu thập theo chuỗi thời gian trên 50 năm. Các chỉ số đo lường mức độ phát triển về kinh tế, mức độ cải thiện cuộc sống, tiến trình tiến tới phát triển bền vững, mức độ hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thu hẹp khoảng cách giới.
Nhóm chỉ số đo lường phát triển kinh tế hướng đến hai mục tiêu thiên niên kỷ: số 8 (thúc đẩy việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế) và số 2 (thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững). Mục tiêu chính là đo lường phát triển kinh tế nên các chỉ số được thiết kế nhằm lượng hóa được mức độ phát triển này theo năm khía cạnh, gồm: (i) quy mô nền kinh tế (9 chỉ số); (ii) chấm dứt đói nghèo và cải thiện cuộc sống (11 chỉ số); (iii) thúc đẩy bền vững (12 chỉ số); (iv) củng cố hợp tác (7 chỉ số); (v) phụ nữ và phát triển (10 chỉ số). Mỗi chỉ số phụ được trình bày về tên gọi, tóm lược về phương pháp tổng hợp và mức độ liên quan đến phát triển.
3. Đo lường dựa trên cách tiếp cận phúc lợi
3.1. Bộ chỉ số phúc lợi
Phúc lợi bao gồm cả những khía cạnh vô hình không thể trao đổi trên thị trường, chẳng hạn như hạnh phúc, lòng tin, hay đa dạng sinh học. Phúc lợi kinh tế là một phần của phúc lợi, liên quan đến tiêu dùng trong hiện tại và lâu dài cũng như các nguồn lực cho phép tiêu dùng (thu nhập, sự giàu có toàn diện…) Nói cách khác, đo lường phúc lợi kinh tế dựa trên cả tiêu dùng hiện tại và tiêu dùng bền vững.
Khung phân tích về phúc lợi kinh tế cho thấy phúc lợi kinh tế bao gồm các chỉ số thuộc hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA) và là một phần của phúc lợi nói chung. Ngoài các chỉ số phúc lợi kinh tế thuộc SNA, các khía cạnh đo lường bổ sung gồm phân phối thu nhập khả dụng, tiêu dùng, mức độ giàu có; tiếp cận các dịch vụ tài chính; sản xuất phi thị trường và thời gian tiêu tốn của hộ gia đình, cùng với tác động của số hóa đối với các hoạt động này; vốn và sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên, khả năng bền vững về môi trường; và vốn con người.
3.2. Hệ số chuyển đổi sự giàu có thành phúc lợi
Từ năm 2012, hàng năm Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group - BCG) đều đưa ra báo cáo đánh giá về phát triển kinh tế bền vững (Sustainable Economic Development Assessment - SEDA). SEDA được coi là một hệ số đo lường mức độ bền vững về phát triển kinh tế, qua đó cho biết quốc gia nào có khả năng chuyển đổi sự giàu có về kinh tế thành phúc lợi cho người dân.
SEDA định nghĩa phúc lợi theo 10 chiều cạnh được phân thành 3 nhóm, gồm kinh tế, đầu tư và bền vững. Điểm số theo 10 chiều cạnh được gắn trọng số khác nhau (2, 1 và 0,5), sau đó được tổng hợp thành điểm số chung cho từng quốc gia. Điểm số này giúp đánh giá một quốc gia trong tương quan so sánh với tất cả các quốc gia khác, hoặc theo nhóm các quốc gia riêng biệt có trong hệ thống dữ liệu. Các chiều cạnh của SEDA cũng cung cấp một khung khổ để đánh giá lại các ưu tiên nhằm có biện pháp điều chỉnh phù hợp để giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất.
SEDA được tính toán theo ba chiều cạnh: (i) Kinh tế gồm ba nhóm là thu nhập, ổn định kinh tế và việc làm (cụ thể hóa thành 6 chỉ số); (ii) Đầu tư gồm các nhóm về y tế, giáo dục và hạ tầng (21 chỉ số); và (iii) Mức độ bền vững gồm các nhóm môi trường, quản trị, xã hội dân sự và bình đẳng (16 chỉ số).
4. Kết luận và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua tìm hiểu các bộ chỉ số đo lường liên quan tới phát triển kinh tế của các tổ chức quốc tế như OECD, WB, IMF và BCG, một đặc điểm chung dễ nhận thấy là các bộ chỉ số đều tập trung vào khía cạnh kinh tế song vẫn cố gắng bao quát các khía cạnh xã hội và môi trường có thể lượng hóa được. Các bộ chỉ số tuy khác nhau nhưng đều cho thấy tính đặc trưng và đặc thù của các tổ chức chủ trì và khởi xướng. Điều này có thể được diễn giải thêm qua một số bài học kinh nghiệm được rút ra như sau: (i) cách tiếp cận và mục đích xây dựng bộ chỉ số đo lường cần được xác định rõ ràng trước khi xây dựng bộ chỉ số; (ii) nguồn lực và tính khả thi trong đo lường là các yếu tố nền tảng cho việc xây dựng chỉ số phù hợp với mục tiêu đặt ra; (iii) mức độ lồng ghép các nhóm chỉ số ngoài khía cạnh kinh tế cần được cân nhắc.
Việc xây dựng một bộ chỉ số riêng cho Việt Nam không phải là điều không khả thi nếu tận dụng và kế thừa được những kinh nghiệm của các tổ chức này, đặc biệt khi tính tới tính khả thi về số liệu và phương pháp đo lường. Việc xây dựng bộ chỉ số đo lường thực sự có ý nghĩa đối với công tác theo dõi, giám sát và đánh giá thực trạng phát triển kinh tế theo hướng bền vững khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
(Toàn văn bài viết đã được đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số 7/2022, trang 12-21).