Kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam (06/04/2010)

Phần đầu của bài viết tìm hiểu mô hình kinh tế tổng quát và mục tiêu của công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đề cập đến chín triết lý phát triển nổi bật có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn trong chủ trương, quan điểm của Đảng về việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong tiến trình đổi mới; đồng thời phân tích thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Tác giả: Phạm Xuân Nam

Về một thư viện khoa học xã hội tầm cỡ khu vực (06/04/2010)

Nội dung bài viết là một phần bản tham luận của Viện Thông tin KHXH được trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 của Viện KHXH Việt Nam ngày 11/01/2010. Giới thiệu vốn tư liệu phong phú hiện có ở Thư viện KHXH, trong đó có những bộ sưu tập quý hiếm dạng bản đồ, sắc phong, hương ước, sách, phim, ảnh,… bài viết khẳng định đây là thư viện có vị thế có một không hai trong lịch sử khoa học và lịch sử văn hóa khoa học của Việt Nam, là thư viện có tên tuổi không chỉ ở tầm Việt Nam, và kiến nghị Chính phủ cần có dự án xây dựng một Thư viện KHXH tầm cỡ khu vực.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Tính tất yếu của tư duy phức hợp (06/04/2010)

Tư duy phức hợp là tất yếu trong thời đại ngày nay. Một mặt tư duy đơn giản hóa ngày càng bộc lộ những bất cập, hạn chế và sai lầm, khiến con người bất lực không nhận ra được tính phức hợp của thực tại, do đó dẫn tới “trí tuệ mù lòa”. Mặt khác, vào cuối thế kỷ XX đã có khả năng và trên thực tế đã hình thành một phương thức tư duy khác đủ mạnh để vượt qua sự thách thức của thực tại, đối thoại và thương thuyết với nó. Từ những quan điểm này, bài viết thông tin về tính phức hợp với quan niệm, tri thức luận và chuẩn thức của tính phức hợp.
Tác giả: Phạm Khiêm Ích

Học viện Khổng Tử - “thế công mê hoặc” của sức mạnh mềm Trung Hoa (06/04/2010)

Như một “thế công mê hoặc”, chính sách xúc tiến thành lập các Học viện Khổng Tử và việc nhân rộng hàng trăm Học viện trên toàn cầu và hàng ngàn giáo viên ngôn ngữ kiêm những nhà truyền bá văn hóa đang thể hiện cách sử dụng linh hoạt sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc. Mặc dù “tốc độ Trung Quốc” của nó chứa đựng không ít nguy cơ và ẩn chứa nhiều tham vọng, song về cơ bản những thành công ban đầu mà các Học viện Khổng Tử đạt được trong quá trình lan tỏa các giá trị văn hóa ra thế giới đã khiến Trung Quốc dường như đang được nhìn nhận thiện cảm hơn trong hình ảnh “con rồng thông minh” đang trỗi dậy với diện mạo “thân thiện” và “tử tế”.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương

Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc: những đặc điểm chủ yếu (06/04/2010)

Tác giả bài viết trình bày năm đặc điểm chủ yếu trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong thời gian qua. 1- Trong Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên luôn ở trong tình trạng căng thẳng, thù địch, đối đầu, không tiếp xúc hay đàm phán. 2- Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, mối quan hệ này chuyển từ đối đầu sang cùng tồn tại hòa bình, mở ra con đường giải quyết vấn đề thống nhất thông qua đối thoại và hợp tác. 3- Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất (năm 2000), mối quan hệ hai miền Triều Tiên thực sự khởi sắc. Các cuộc họp cấp bộ diễn ra liên tục và hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận cơ bản. 4- Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai (ngày 2-4/10/2007) đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra triển vọng tốt đẹp cho quan hệ giữa hai miền. 5- Mặc dù chủ trương, đường lối hòa bình và hòa giải vẫn được chính phủ của tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak theo đuổi kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 2/2008, song những tuyên bố cứng rắn, đối lập với hai vị tổng thống tiền nhiệm đã đẩy mối quan hệ liên Triều trở về thời kỳ đen tối.
Tác giả: Trần Thị Nhung

Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (06/04/2010)

Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế” do Trung tâm Văn học trẻ em, Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì với các nhóm vấn đề: sách văn học cho trẻ em hiện nay; nhân cách trẻ em trong thời kỳ kinh tế thị trường và xu hướng tiếp nhận văn học của trẻ em hiện nay; những ảnh hưởng, tác động của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em.
Tác giả: Vân Hà t.th.

Giá trị của tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay (06/04/2010)

Tác giả bài viết trình bày bốn đề xuất nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo yêu cầu hội nhập quốc tế dựa trên các giá trị của tư tưởng Nho giáo. Một là, tăng cường nghiên cứu về Nho giáo và ảnh hưởng của nó trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Hai là, tăng cường nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Á Đông trong việc vận dụng tư tưởng Nho giáo để phát triển đội ngũ doanh nhân trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Ba là, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách cụ thể hơn về việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phương Đông nói chung và các giá trị tích cực của Nho giáo nói riêng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay. Bốn là, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần phải biết chủ động phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có những phẩm chất mà Nho giáo Việt Nam đã vun đắp ngàn năm, biến nó thành thế mạnh đặc trưng của doanh nhân Việt Nam hiện đại.
Tác giả: Phạm Duy Hải

Văn hóa dưới con mắt các nhà khoa học xã hội và nhân văn (06/04/2010)

Trong thế giới hiện đại của khoa học xã hội và nhân văn thì khái niệm văn hóa được đặt trong số những khái niệm nền tảng. Nó là công cụ hết sức quan trọng để phân tích đời sống con người, giống như khái niệm “lực hấp dẫn” đối với vật lý học hay khái niệm “tiến hóa” đối với sinh học. Nội dung bài viết trình bày và phân tích một số khái niệm, định nghĩa về văn hóa, văn hóa cá nhân, cách tiếp cận văn hóa của các nhà khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có V. I. Lenin, Anthony Giddens, Albert Schweitzer, Neil Smelser, v.v…
Tác giả: Davidovich, V. E.; Hồ Sĩ Quý, Lưu Minh Văn, Nguyễn Anh Tuấn d.