Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập (14/03/2012)

Trong tương quan với khu vực và thế giới, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam vừa thiếu hụt, vừa lạc hậu, thậm chí lạc lõng. Nhưng nhìn từ phía khác, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đã mở đường cho một phương thức phát triển mới xuất hiện và định hình - từ một phương thức phát triển chủ quan, giáo điều và kém hiệu quả, đất nước đã chuyển sang một phương thức phát triển mới năng động, tích cực và hiệu quả… Bàn về khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập, phần đầu của bài viết gồm 3 tiểu mục: Đặt vấn đề, “Đặc thù” hay là không giống ai, Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập: một cách nhìn nhận và đánh giá.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Thực trạng biến động của sự phân hóa giàu - nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (14/03/2012)

Bài viết rút ra một số nhận xét về thực trạng biến động của sự phân hóa giàu - nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay trên cơ sở phân tích những biểu hiện chủ yếu của sự phân hóa giàu - nghèo. Đó là chênh lệch về thu nhập tăng lên với khoảng cách doãng rộng, chênh lệch về mức sống, sự hưởng thụ và tiếp cận các dịch vụ xã hội, tỷ lệ nghèo tập trung chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và sự làm giàu không chính đáng đang nổi lên rất rõ.
Tác giả: Bùi Thị Hoàn

Cánh tả Mỹ Latinh so với cánh tả châu Âu - khác biệt tạo nên đột phá (14/03/2012)

Sắc thái và xu hướng thực dụng chính trị của cánh tả châu Âu và Mỹ Latinh khác nhau về cơ bản. Cánh tả châu Âu hiện đang thực dụng theo kiểu hữu để tồn tại, chấp nhận xóa nhòa ranh giới tư tưởng để đạt được mục tiêu quyền lực. Cánh tả Mỹ Latinh cũng thực dụng song biết gắn lợi ích của đảng phái với lợi ích quốc gia - dân tộc và đa số quần chúng, xu hướng chuyển biến lập trường của họ là ngày một “tả hơn”. Hai chiều hướng tả này tích tụ ở hai cực khác nhau ngày một rõ hơn. Logic của sự vận động sẽ là trở thành những bộ phận của hai cực đối lập về tư tưởng: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường ấy sẽ ngày càng rõ hơn trong tương lai, kể cả trong trường hợp các loại cánh tả.
Tác giả: Nguyễn An Ninh

Thực tiễn phát triển các khu kinh tế tự do ở một số nước châu Á và gợi ý cho Việt Nam (14/03/2012)

Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm xây dựng, phát triển, quản lý các khu kinh tế tự do của Ấn Độ và Trung Quốc để rút ra những bài học cho sự phát triển các đặc khu kinh tế ở Việt Nam: chú trọng hợp tác công - tư trong huy động vốn và phát triển, trong đó sự tham gia vốn của Chính phủ đóng vai trò là bằng chứng cam kết; có chế độ tuyển dụng theo năng lực làm việc; có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài; liên kết doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học; hiện đại hóa các thể chế về tiền tệ, tài chính, bất động sản, hải quan, đảm bảo sự lưu chuyển tự do, thông thoáng của các dòng tiền tệ, vốn, hàng hóa; giám sát chặt chẽ từng giai đoạn phát triển của các đặc khu kinh tế, đảm bảo không chệch hướng mục tiêu; có cơ chế hợp tác vùng để các đặc khu kinh tế không ngừng mở rộng về quy mô địa lý, lĩnh vực kinh tế, thị trường và nguồn lực…
Tác giả: Đặng Thị Phương Hoa

Gia đình nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (14/03/2012)

Bài viết trình bày tóm lược nội dung cuốn sách “Gia đình nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới” do các tác giả Trịnh Duy Luân, Helle Rydstrom và Wil Burghoorn đồng chủ biên với các chủ đề nghiên cứu đa dạng như: hôn nhân, tổ chức cư trú, phân công lao động, quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, di cư, giáo dục con cái, tình dục, bạo lực gia đình… cung cấp thêm nhiều chi tiết phong phú cho bức tranh vốn đa chiều cạnh và nhiều màu sắc của gia đình nông thôn Việt Nam trong hơn hai thập niên qua.
Tác giả: Trịnh Duy Luân, Helle Rydstrom, Wil Burghoorn ch.b.; Thiện Duyên l.th.

Cập nhật thông tin cho xử lý tài liệu có liên quan đến các ngôn ngữ ở Việt Nam (14/03/2012)

Nội dung bài viết khẳng định việc cần thiết phải cập nhật thông tin cho xử lý tài liệu có liên quan đến các ngôn ngữ ở Việt Nam. Một trong số các vấn đề cần cập nhật là số lượng, danh sách các ngôn ngữ hiện đang tồn tại ở Việt Nam trong tương quan với thành phần dân tộc đã qua nhiều lần được nghiên cứu và xác lập với những thay đổi tách/gộp, để xác định tiêu đề đề mục “Việt Nam - các ngôn ngữ” sao cho phù hợp với những thành tựu mới nhất của ngành ngôn ngữ học.
Tác giả: Vương Toàn

Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ (14/03/2012)

Trong thời đại của sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, nước Mỹ cần đầu tư một cách khôn ngoan để mang lại lợi nhuận lớn nhất. Đây là lý do tại sao châu Á - Thái Bình Dương là một cơ hội thực sự như vậy trong thế kỷ XXI đối với nước Mỹ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật điều hành nước Mỹ trong thập kỷ tới sẽ gắn chặt vào sự gia tăng đầu tư đáng kể - về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các lĩnh vực khác - ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tác giả: Hillary Clinton; Việt Thông d.