Quan điểm của Jean-Francois Lyotard trong tác phẩm “Điều kiện hậu hiện đại: Báo cáo về nhận thức” (24/01/2018)

Jean-Francois Lyotard là nhà triết học Pháp tiêu biểu cho khuynh hướng triết học hậu hiện đại. Với tác phẩm “Điều kiện hậu hiện đại: Báo cáo về nhận thức”, Jean-Francois Lyotard đã trở thành người đầu tiên đưa khái niệm “hậu hiện đại” vào triết học. Sự khủng hoảng và mất niềm tin vào các “siêu tự sự” được Jean-Francois Lyotard khắc họa như là một đặc điểm nổi bật của nhận thức trong thời đại hiện nay. Bài viết phân tích một số quan điểm của Jean-Francois Lyotard về những đặc điểm của thời đại và của nhận thức thông qua tác phẩm này.
Tác giả: Nguyễn Tấn Hùng, Dương Thị Phượng

Một vài nét về tâm lý học tộc người (24/01/2018)

Tâm lý học tộc người (ethno-psychology) không phải là một bộ môn nghiên cứu mới mẻ trên thế giới, nhưng phân ngành này lại tương đối lạ lẫm và mang tính cấp thiết nhất định ở một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam. Tâm lý học tộc người là một phân ngành mang tính chất liên ngành của tâm lý học, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tâm lý, sự tương tác giữa yếu tố bên trong - cá nhân và bên ngoài - xã hội. Bài viết làm rõ khái niệm tâm lý học tộc người, khái quát các hướng tiếp cận nghiên cứu tâm lý học tộc người, như phân tâm học (của Sigmund Freud), tâm bệnh học (của George Devereux, Abram Kardiner), văn hóa và nhân cách (của Ruth Benedict, Margaret Mead) cùng các phương pháp nghiên cứu; đồng thời chỉ ra tính khả quan của việc ứng dụng các mô hình nghiên cứu tâm lý học tộc người trên thế giới nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong nghiên cứu tâm lý học tộc người ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Phạm Minh Quân

Nghi lễ hôn nhân của người Mã Liềng (bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) (24/01/2018)

Mã Liềng là một trong số ít nhóm người thiểu số ở Hà Tĩnh còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, trong đó có nghi lễ hôn nhân. Bài viết tập trung nghiên cứu nghi lễ hôn nhân của người Mã Liềng ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, với các nội dung chủ yếu như: quan điểm, các nghi lễ trước và trong đám cưới, cư trú sau hôn nhân; qua đó nhấn mạnh những nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tác giả: Phạm Khắc Lanh

Một số nghiên cứu về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1953-1957 (24/01/2018)

Đất đai luôn được coi là nguồn tài nguyên của cải đặc biệt quan trọng của mỗi quốc gia. Ở một đất nước phần lớn dân cư làm nông nghiệp như Việt Nam, đất đai không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt mà vấn đề cải cách ruộng đất cũng rất được chú trọng. Đây là vấn đề được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Bên cạnh việc nghiên cứu tình hình ruộng đất nói chung trong lịch sử, các nhà khoa học cũng chú trọng nghiên cứu những chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề cải cách ruộng đất. Bài viết đề cập đến một số nghiên cứu về vấn đề cải cách ruộng đất nông thôn miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1953-1957.
Tác giả: Đỗ Khánh Chi

Nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua dưới triều Gia Long và Minh Mệnh: Một số giá trị kế thừa (24/01/2018)

Quan lại thời quân chủ nói chung và thời Gia Long, Minh Mệnh nói riêng, bên cạnh những đãi ngộ nhận được đều có bổn phận thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà vua và dân. Quan trọng trên nhất là nghĩa vụ đối với nhà vua, người đứng đầu đất nước. Những yêu cầu mà hai vua đầu triều Nguyễn đặt ra đối với quan lại là tận trung, tận tụy và tuân theo quy tắc, pháp luật của Nhà nước. Những quy định trên có ý nghĩa lớn đối với việc đặt ra nghĩa vụ đối với cán bộ, công chức hiện nay.
Tác giả: Phạm Thị Thu Hiền

Thi học cổ điển Trung Hoa: Học phái, phạm trù, mệnh đề (24/01/2018)

Bài viết giới thiệu nội dung cuốn sách “Thi học cổ điển Trung Hoa: Học phái, phạm trù, mệnh đề” do GS.TS. Phương Lựu chủ biên, nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2016. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, giới thiệu hệ thống thi học cổ điển Trung Quốc bao gồm các học phái chính yếu (thi học Nho gia, thi học Đạo gia, thi học Thiền gia…); các hệ thống khái niệm cơ bản (về chủ thể sáng tác, tư duy nghệ thuật của tác phẩm văn thơ, về thể loại, về tiếp nhận văn học); và hệ thống một số mệnh đề thiết yếu (mệnh đề chung về văn học, mệnh đề về nhà văn, về tư duy nghệ thuật, về tác phẩm, về thể loại, về phê bình, thường thức).
Tác giả: Phạm Quỳnh An g.th.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế - xã hội của Đài Loan: So sánh với châu Âu (24/01/2018)

Hiện nay, Đài Loan đã trở thành một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu thế giới. Trong thành tựu chung ấy của Đài Loan có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội dân sự. Xã hội dân sự ở Đài Loan đã đủ độ trưởng thành, gánh vác được các trách nhiệm dân sự, điều tiết được các hoạt động xã hội theo hướng lành mạnh phát triển. Bài viết tập trung làm rõ vai trò của các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan trong phát triển kinh tế - xã hội, so sánh với sự phát triển của xã hội dân sự châu Âu.
Tác giả: Đinh Công Tuấn