Sự hiện diện của Vương quốc Anh ở Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hậu Brexit (24/02/2023)

Sự mở rộng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc sang Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPR) đã, đang và sẽ vấp phải sự phản kháng ngày càng tăng từ một loạt quốc gia bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Khu vực này hiện là một tâm điểm chiến lược địa chính trị quan trọng của thế giới. Nhiều quốc gia đang tích cực điều chỉnh triển vọng chiến lược của họ và xây dựng các chính sách cụ thể cho IPR, trong đó có Vương quốc Anh. Dưới tác động của dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh hậu Brexit (sau năm 2020), Vương quốc Anh đã buộc phải xem xét lại nhiều khía cạnh trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình để thích ứng với những thay đổi lớn của thế giới, trong đó có tầm quan trọng ngày càng tăng của IPR. Bài viết tập trung xem xét các lợi ích của Vương quốc Anh ở IPR; quan điểm và chiến lược của nước này ở IPR; quá trình triển khai chiến lược tại IPR; đánh giá tác động của sự hiện diện của Vương quốc Anh ở IPR và tương lai của họ.
Tác giả: Võ Minh Tập, Trần Hùng Minh Phương

Các yếu tố tác động tới an ninh công việc của người lao động tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ (24/02/2023)

Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về các yếu tố tác động tới an ninh công việc tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 8 yếu tố tác động tới an ninh công việc gồm: gia đình, họ hàng; môi trường làm việc; trợ giúp từ công đoàn; quan hệ đồng nghiệp; chính sách phúc lợi của doanh nghiệp; chính sách đào tạo của doanh nghiệp; chính sách đào tạo nghề của địa phương; và nỗ lực cá nhân của người lao động.
Tác giả: Trần Thị Thanh Tuyến

Tổng hạnh phúc quốc gia trong kinh doanh và triển khai tại một số nước châu Âu (24/02/2023)

Trong nửa thế kỷ qua, nhiều mô hình và học thuyết kinh tế mới đang hướng tới chuyển hóa xã hội và sinh thái, đồng thời đo lường phúc lợi của con người trong hoạt động kinh tế. Trong quá trình đó, Tổng hạnh phúc quốc gia, mà cụ thể là Tổng hạnh phúc quốc gia trong kinh doanh là làn sóng được đón nhận trong khối doanh nghiệp trên thế giới. Đã có nhiều chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và khối doanh nghiệp nhằm hướng tới áp dụng Tổng hạnh phúc quốc gia trong kinh doanh. Bài viết tổng quan về việc triển khai mô hình Tổng hạnh phúc quốc gia trong kinh doanh tại các tổ chức và doanh nghiệp khu vực châu Âu. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình xã hội hóa lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục và cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Nguyệt Nga, Vũ Thị Thùy Linh

Bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam hiện nay (24/02/2023)

Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ; đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa. Bài viết điểm lại những phương thức bảo tồn di sản văn hóa chính và các vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy

Tư tưởng của Nguyễn Trãi về giáo dục: Quan điểm về sự kiên trì vượt khó học tập và ý niệm học tập suốt đời (24/02/2023)

Nguyễn Trãi (1380-1442) là một trong những nhà văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, có những tư tưởng triết học có giá trị và có sức ảnh hưởng lớn. Trong tư tưởng triết học của ông có những quan điểm rất sâu rộng về giáo dục mà cho đến nay vẫn còn ý nghĩa to lớn đối với việc học tập và phát triển con người. Bài viết tìm hiểu tư tưởng giáo dục của Nguyễn Trãi, tập trung vào những quan điểm tiến bộ của ông về sự kiên trì vượt khó học tập và ý niệm học tập suốt đời, từ đó làm rõ thêm những đóng góp có giá trị về mặt giáo dục của ông, góp phần cung cấp thêm tài liệu cho việc nghiên cứu về lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.
Tác giả: Phan Lữ Trí Minh

Giải pháp tăng cường liên kết phát triển kinh tế vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ (24/02/2023)

Hoàng Mai - Quỳnh Lưu là vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh Nghệ An đồng thời thuộc vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế trong vùng nói riêng và chưa có sự gắn kết với vùng Nam Thanh Bắc Nghệ nói chung. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp bao gồm các văn bản chính sách của Nhà nước, các nghiên cứu đã công bố và số liệu, báo cáo từ địa phương, bài viết phân tích thực trạng phát triển của vùng và đề xuất một số giải pháp tăng cường liên kết phát triển kinh tế vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Bắc Nghệ.
Tác giả: Lê Thị Thu Hiền, Bùi Việt Cường

Phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị địa phương ở Việt Nam hiện nay (24/02/2023)

Tư vấn chính sách là một trong những thể chế, cơ chế không thể thiếu của quản trị quốc gia hiện đại cũng như quản trị địa phương. Tư vấn chính sách có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thể chế chính sách của chính quyền địa phương cũng như nâng cao năng lực quản trị địa phương. Trên cơ sở phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức tư vấn chính sách (think tank) trong quản trị địa phương, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị địa phương ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Trọng Bình