Văn học Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập (30/09/2008)

Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế do Viện Văn học (Việt Nam) và Viện Harvard Yenching (Mỹ) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2006. Gần 200 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tham dự Hội thảo, với 65 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận tại chỗ. Nội dung tham luận được xếp theo các chủ đề và thảo luận tại bốn tiểu ban: 1) Văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (1986-2006); 2) Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa; 3) Vai trò của dịch thuật văn chương với sự phát triển của văn học dân tộc. Văn học so sánh; 4) Mối quan hệ tương tác giữa văn học với văn học dân gian, giữa văn học với các ngành nghệ thuật khác.
Tác giả: Lê Sơn

Xu thế phát triển của khoa học - công nghệ toàn cầu trong giai đoạn mới (30/09/2008)

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh, nhưng cũng kéo theo nhiều biến động liên quan đến đạo đức, lối sống; làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đầu thiên niên kỷ, RAND Corporation, một tổ chức chuyên nghiên cứu và phân tích chính sách nghiên cứu và triển khai (R&D) Mỹ, đã đưa ra dự báo về cách mạng công nghệ toàn cầu đến năm 2015 và mới đây, tổ chức này lại công bố một báo cáo về viễn cảnh công nghệ với những khác biệt giữa các quốc gia trên thế giới từ nay đến năm 2020. Nội dung bài viết giới thiệu khái quát về viễn cảnh của các công nghệ nổi bật đó.
Tác giả: Trung Đức

Giáo dục tư hay công - nhìn từ góc độ lý thuyết kinh tế (30/09/2008)

Phải chăng giáo dục là hàng hóa như bất cứ một sản phẩm nào đó trên thị trường, do đó việc cung cấp tùy thuộc vào cung cầu trên thị trường? Đây là vấn đề đang được bàn cãi ở Việt Nam. Những quan điểm bày tỏ trên báo chí hiện nay tuy đã dựa vào kinh nghiệm của các nước nhưng chưa thật sự dựa vào cơ sở lý thuyết kinh tế. Bài viết trình bày vấn đề giáo dục trên cơ sở lý thuyết kinh tế. Giáo dục là sản phẩm đặc biệt theo nghĩa là phương tiện nhằm tăng sản xuất ra của cải trong tương lai, mà như vậy, nó là hàng tích lũy. Nó lại là hàng hóa mà xã hội cần, do đó nó đòi hỏi kể cả cưỡng bách mọi công dân phải đạt trình độ tối thiểu. Ngoài ra, giáo dục cơ bản còn là loại dịch vụ rất đặc biệt theo nghĩa lợi ích xã hội của nó cao hơn lợi ích cá nhân mà người mua nhận được. Do đó nếu để thị trường tự do quyết định, mức cung sẽ ít hơn mức cầu của xã hội. Giáo dục cơ bản mang những đặc tính của hàng hóa công (public goods) mà xã hội nói chung cần, do đó phải có trách nhiệm chi trả và điều phối. Vai trò điều phối này lại càng cần thiết khi chi phí giáo dục tăng nhanh do thời gian giáo dục cần thiết cho xã hội trong một đời người ngày càng tăng và chất lượng giáo dục đòi hỏi để phục vụ nhu cầu xã hội cũng tăng nhanh, trong khi lại không thể tăng năng suất thầy giáo. Đây là tất cả những vấn đề mà bài viết muốn lý giải.
Tác giả: Vũ Quang Việt

Ngân sách quốc phòng thế giới sau Chiến tranh lạnh (30/09/2008)

Ngân sách quốc phòng là một bộ phận của ngân sách Nhà nước được dành cho chi phí quân sự trong năm tài chính theo luật định. Ngân sách quốc phòng là lĩnh vực đặc biệt phản ánh mối quan hệ kinh tế - quân sự dưới dạng tiền tệ. Mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi quốc gia khác nhau cũng có những biểu hiện khác nhau về nhận thức và nội dung kết cấu chi phí của ngân sách quốc phòng. Trong phạm vi bài viết tác giả đề cập đến Tổng quan ngân sách quốc phòng thế giới sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Tác giả: Nguyễn Nhâm

Chúng ta là ai? Cuộc đại luận chiến của nước Mỹ (30/09/2008)

Vài tuần sau các vụ tấn công khủng bố 11 tháng 09 năm 2001, ở Mỹ, lá cờ với những ngôi sao và kẻ sọc xuất hiện nhiều đến mức ngạc nhiên: dây chuyền bán lẻ Wal-Mart cho biết họ đã bán 250 ngàn lá cờ; và một tháng sau đó, tám trong số mười người ở Mỹ được hỏi nói họ đang treo cờ tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ lại đặt câu hỏi lá cờ đó đại diện cho ai và nó phản ánh những giá trị văn hóa gì? Hai câu hỏi này được Samuel P. Huntington luận giải trong cuốn sách mà ông mới hoàn thành “Chúng ta là ai? Cuộc đại luận chiến của nước Mỹ”, do nhà xuất bản Free Press ấn hành cuối năm 2004, đầu 2005. Bài viết lược thuật những nội dung chính của cuốn sách.
Tác giả: Samuel P. Huntington; Minh Duy l.th.

Năm 2006: thế giới hôm nay và ngày mai (tổng quan các luận điểm chính của báo cáo “Tình hình hành tinh 2006”) (30/09/2008)

Trong 23 năm gần đây, cứ vào tháng 01 hàng năm, Viện theo dõi toàn cầu lại cho công bố Báo cáo về những vấn đề sinh thái và xã hội mà nhân loại gặp phải và về sự tiến bộ đã đạt được trong việc giải quyết những vấn đề đó. Nội dung của báo cáo năm nay “Tình hình hành tinh - 2006” đề cập đến các vấn đề về sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào kết quả thực hiện chương trình nghiên cứu mở rộng với mục đích góp phần nhận thức vai trò của Trung Quốc và Ấn Độ trong quá trình nhanh chóng trở thành các siêu cường thế giới. Bài viết lược luật một số luận điểm chính của bản báo cáo.
Tác giả: Suetin A.; Mạnh Chí l.th.

Văn hóa tiêu sinh và năm Đinh Hợi (30/09/2008)

Bài viết đề cập đến: nguồn gốc của văn hóa tiêu sinh; văn hóa tiêu sinh trên thế giới; hình tượng lợn trong phong tục tập quán của người Trung Hoa và người Việt Nam; hình tượng lợn trong nghệ thuật dân gian, trong văn hóa ẩm thực…
Tác giả: Nhật Hoa