Chỉ số dân chủ (15/11/2013)

Chỉ số dân chủ (Democracy Index) được thiết kế để đo đạc, định lượng và đánh giá tình trạng dân chủ của từng quốc gia theo năm tiêu chí: 1- Quá trình bầu cử và thực hiện đa nguyên, 2- Tự do của công dân, 3- Hoạt động của chính phủ, 4- Tham gia chính trị, và 5- Văn hóa chính trị. Trình độ dân chủ của các nước được đánh giá theo bốn loại: 1- Nền dân chủ đầy đủ, 2- Nền dân chủ đang hoàn thiện, 3- Thể chế hỗn hợp, và 4- Thể chế chuyên chế. Bài viết giới thiệu bảng Chỉ số dân chủ năm 2011 và 2012 của 167 quốc gia và vùng lãnh thổ xếp theo bốn trình độ dân chủ; bảng Chỉ số dân chủ của Việt Nam trong các năm 2007, 2008, 2010, 2011, 2012; và bảng Chỉ số dân chủ năm 2011 và 2012 xếp hạng cho 167 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Tương tác giữa các yếu tố tự nhiên với các yếu tố văn hóa - xã hội trong sự phát triển hiện nay (15/11/2013)

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với khai thác tài nguyên thiên nhiên là một nhu cầu tất yếu. Nhưng sự phát triển sẽ không có ý nghĩa nếu xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái và tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Để thay đổi nhận thức và khắc phục sự phát triển lệch lạc đó, một vấn đề không kém phần quan trọng và có ý nghĩa quyết định chính là nhận thức của các cá nhân và cộng đồng… về tự nhiên và tác động của con người vào tự nhiên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Tác giả: Lê Ngọc Thắng

Sự phát triển đạo Tin lành và một số vấn đề đặt ra cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Ê Đê ở Tây Nguyên hiện nay (15/11/2013)

Nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về sự tiếp nhận các giá trị văn hóa người Ê Đê của đạo Tin lành; sự biến đổi văn hóa người Ê Đê dưới tác động của đạo Tin lành; đồng thời đưa ra một số kiến nghị, giải pháp làm cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách tham khảo khi triển khai công tác quản lý văn hóa, tôn giáo ở địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Ê Đê ở Tây Nguyên hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Văn Thắng

Một số vấn đề về di cư lao động Việt Nam ở nước ngoài (15/11/2013)

Sử dụng số liệu từ kết quả Dự án “Di cư lao động quốc tế - những tác động đến gia đình và các thành viên ở lại” do Viện Xã hội học phối hợp với Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện năm 2009-2010 với sự tài trợ của UNICEF, bài viết trình bày khái quát đặc trưng của quá trình di cư lao động Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm hiểu một số tác động của quá trình này đến gia đình và cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Hồng Thái

Truyện ngắn Việt Nam đương đại: những đổi mới tư duy thể loại (15/11/2013)

Khảo sát truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả bài viết trình bày ba bình diện cơ bản của sự đổi mới trong tư duy thể loại: 1- Đổi mới quan niệm thể loại và tiếp nhận thể loại, 2- Đổi mới về cốt truyện, 3- Đổi mới hệ thống nhân vật. Những đổi mới này chưa thực sự hoàn kết, bởi tư duy về thể loại vẫn đang sinh thành và biến đổi như dòng chảy không ngừng của cuộc sống, của văn học. Nhưng những gì đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn sáng tác, so với lịch sử, đã là một cuộc lột xác ngoạn mục, là kinh nghiệm nghệ thuật làm tiền đề cho sự kế thừa và sáng tạo của những bước tiếp theo.
Tác giả: Lê Dục Tú

Bộ sưu tập Thần tích, Thần sắc tại Thư viện Khoa học xã hội (15/11/2013)

Bộ sưu tập Thần tích, Thần sắc đang được lưu trữ và bảo quản tại Thư viện Khoa học xã hội hiện có 13.211 cuốn với khoảng 230.000 trang tư liệu chép tay, thống kê gần như đầy đủ danh sách cùng sự tích các vị thần được thờ cúng trong các đình, đền, miếu trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ Bắc bộ vào Nam Trung bộ, đặc biệt có giá trị cho việc nghiên cứu tìm hiểu về phong tục, truyền thống Việt Nam xưa. Bài viết giới thiệu chung về Bộ sưu tập; phân tích thực trạng công tác quản lý, bảo quản và khai thác Bộ sưu tập; đồng thời nêu bật một số đề xuất cho công tác quản lý, bảo quản để khai thác và phát huy các giá trị Bộ sưu tập Thần tích, Thần sắc tại Thư viện Khoa học xã hội.
Tác giả: Nguyễn Lê Phương Hoài

Viện sĩ, Giáo sư, Viện trưởng Trần Huy Liệu với việc xây dựng hệ thống tư liệu, thư viện của Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa và Viện Sử học (15/11/2013)

Bài viết bày tỏ tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ, tri ân tới Viện sĩ, Giáo sư, Viện trưởng Trần Huy Liệu (1901-1969) – người sáng lập Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Sử học (cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đồng thời là người tạo dựng nên Thư viện Viện Sử học trước đây, nay là Phòng Thông tin - Thư viện, Viện Sử học.
Tác giả: Nguyễn Hữu Tâm