Cải cách thể chế ở Việt Nam: Thực trạng - những vấn đề đặt ra và xu hướng phát triển (P. 2) (22/10/2017)
Cải cách thể chế chính là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, cần thừa nhận một thực tế là thái độ ít hài lòng, không yên tâm, lo lắng… vẫn là tâm thế khá phổ biến. Bài viết chỉ ra bảy vấn đề quy định thực trạng đất nước hiện nay và đồng thời cũng quy định chiều hướng và tốc độ của sự phát triển. Đó là: 1- nợ công; 2- sự lệ thuộc của nền kinh tế; 3- sự chuyển đổi mô hình phát triển; 4- tham nhũng; 5- môi trường, tài nguyên; 6- các vấn đề xã hội; 7- vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý và các cộng tác viên
Chủ nghĩa dân tộc: Quan điểm và một số yếu tố tác động trong điều kiện hiện nay (22/10/2017)
Trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc là một trong những khái niệm được sử dụng phổ biến trong lý luận chính trị quốc tế. Tuy nhiên, khái niệm này hiện còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau và được xem là một trong những khái niệm khó nắm bắt nhất. Trong xu thế toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc đã có nhiều biểu hiện mới tùy thuộc vào từng quốc gia và bối cảnh cụ thể. Bài viết tổng hợp quan điểm của một số nhà khoa học tiêu biểu về các nội dung của chủ nghĩa dân tộc; đồng thời làm rõ một số yếu tố tác động đến chủ nghĩa dân tộc trong điều kiện hiện nay.
Tác giả:
Phạm Thu Trang
Quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân trong các bản hiến pháp Việt Nam (22/10/2017)
Quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đồng thời được ghi nhận trong các bản hiến pháp Việt Nam. Bài viết phân tích và làm rõ sự hình thành và phát triển quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân trong các bản hiến pháp Việt Nam: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), và Hiến pháp năm 2013.
Tác giả:
Hồ Ngọc Chung
Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc “Hương Sơn bảo quyển” từ tiếp cận tư liệu Hán Nôm (22/10/2017)
“Hương Sơn bảo quyển” là một tác phẩm văn học Phật giáo Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam về nhiều phương diện như văn học, văn hóa dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo. Truyện tích về công chúa Diệu Thiện đắc đạo ở núi Hương Sơn ở tác phẩm này được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam và được nhiều lần cải tác bằng chữ Nôm. Bài viết tập trung khai thác một mảng tư liệu khác bên cạnh diễn Nôm tôn giáo “Hương Sơn bảo quyển” là các tư liệu Hán Nôm địa lý và văn học có nội dung đề cập tới truyện tích và những di tích gắn liền với truyện tích đó ở Việt Nam, qua đó khẳng định một số ảnh hưởng của “Hương Sơn bảo quyển” ở Việt Nam cũng như những hình thức địa phương hóa một Phật tích phi bản địa.
Tác giả:
Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Tô Lan
Tình hình nghiên cứu về thơ ca của các nữ thi nhân trong “Toàn Đường thi” và “Manyoshu” (22/10/2017)
“Toàn Đường thi” là đại diện cho thời kỳ thơ ca phát triển nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc, còn “Manyoshu” được coi là ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản. Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu thơ ca của các nữ thi nhân trong hai bộ thi tuyển này, đồng thời đánh giá những thành tựu và hạn chế trong một số công trình tiêu biểu, từ đó khơi gợi một vài hướng đi tiềm năng để các học giả Việt Nam có thể góp sức mình cho lĩnh vực nghiên cứu thơ ca cổ điển châu Á nói chung và thơ ca nữ giới nói riêng.
Tác giả:
Nguyễn Anh Tuấn
Những bài học và ý nghĩa của năm 1917 (22/10/2017)
Tác giả bài viết khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga với tính cách là nền móng vững chắc để nước Nga giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống phát xít Đức năm 1945 và có được chuyến bay đột phá vào vũ trụ năm 1961. Một trong số những bài học rút ra từ Cách mạng tháng Mười Nga là không thể lừa gạt lâu dài được nhân dân bằng những khẩu hiệu suông đầy hứa hẹn và đầy cám dỗ. Cần phải có những hành động cụ thể, cần phải có sự chung lưng đấu cật của mỗi người dân. Chỉ sau khi thừa nhận sự chính nghĩa của nhân dân, ủng hộ khát vọng thiết thực của nhân dân hướng tới lẽ công bằng thì mới có thể không chỉ bảo vệ đất nước thoát khỏi những cơn chấn động mà còn đi tiếp về phía trước.
Tác giả:
Dimitri Churakov; Lê Sơn b.d.