Doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO (22/10/2018)
Một trong những kết quả tích cực và quan trọng của sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 chính là sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Bài viết tập trung đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, những vấn đề đặt ra dưới góc độ là một động lực quan trọng và cơ bản đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tác giả:
Vũ Hùng Cường
Những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ ngư dân khai thác hải sản vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam (22/10/2018)
Bài viết sử dụng các mô hình kinh tế lượng để lượng hóa các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ ngư dân khai thác hải sản tại vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng, những đặc trưng về địa bàn cư trú, đặc trưng nghề nghiệp, đặc trưng nhân khẩu học và kinh tế xã hội có ảnh hưởng ý nghĩa đến thu nhập của hộ ngư dân. Ngược lại, công tác khuyến ngư lại không có ảnh hưởng ý nghĩa đến sự khác biệt về thu nhập giữa các hộ ngư dân. Trên cơ sở đó, bài viết gợi mở một số hàm ý chính sách nhằm góp phần nâng cao thu nhập cộng đồng ngư dân khai thác hải sản tại vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.
Tác giả:
Hoàng Hồng Hiệp, Châu Ngọc Hòe
Xung đột tộc người, tôn giáo ở Trung Quốc trong những năm gần đây (22/10/2018)
Trong những năm gần đây, trên thế giới liên tiếp xảy ra những cuộc xung đột tộc người, tôn giáo, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tại Trung Quốc, những cuộc xung đột liên quan tới quan hệ tộc người, tôn giáo không ngừng gia tăng, đặc biệt là tại các khu tự trị như Tân Cương, Tây Tạng… Bài viết đề cập đến tình hình xung đột tộc người, tôn giáo ở Trung Quốc hiện nay, trong đó chỉ ra các hình thức xung đột, nguyên nhân dẫn tới xung đột và hậu quả, đồng thời phân tích phản ứng của Trung Quốc đối với những xung đột này.
Tác giả:
Lê Hải Đăng, Đoàn Thị Quý
Sự thay đổi quyền quyết định trong gia đình mẫu hệ (Nghiên cứu trường hợp người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa) (22/10/2018)
Trên cơ sở khảo sát về người Raglai ở huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, bài viết bước đầu tìm hiểu về quyền quyết định của người phụ nữ và nam giới trong gia đình mẫu hệ dưới tác động của quá trình đổi mới, giao lưu và hội nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, vị trí, vai trò và quyền lực của người vợ, người chồng trong gia đình đã có sự thay đổi đáng kể, theo xu hướng đáng khích lệ, đó là sự bàn bạc, chia sẻ giữa hai vợ chồng hướng tới sự bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.
Tác giả:
Trương Văn Cường
Một số đặc điểm của trí thức Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (22/10/2018)
Trí thức Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của đất nước. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954) in đậm sự đóng góp to lớn của tầng lớp trí thức trong cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn dân. Bài viết tập trung phân tích một số đặc điểm của trí thức Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó rút ra những nhận định bước đầu về tầng lớp này.
Tác giả:
Nguyễn Thanh Hóa
Thành tựu và đặc điểm sáng tác của một số nhóm tiểu thuyết gia nổi bật tại Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI (22/10/2018)
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn nên giữa các khu vực ít nhiều có sự khác biệt về văn hóa, điều đó làm nên diện mạo sáng tác của từng nhóm nhà văn thuộc các vùng miền khác nhau. Bài viết khảo sát về thành tựu và đặc điểm sáng tác của 5 nhóm tiểu thuyết gia của các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam và Thượng Hải trong những năm đầu thế kỷ XXI. Tiểu thuyết của từng nhóm nhà văn này mang đặc điểm và phong cách sáng tác riêng, nên có những cách gọi như sáng tác của nhà văn Hải phái (Thượng Hải phái), Kinh phái (Bắc Kinh phái), Kinh Tân phái (Bắc Kinh - Thiên Tân phái), v.v...
Tác giả:
Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Tâm
Các tư liệu về vùng Tây Nam bộ đang được lưu giữ tại Thư viện Khoa học xã hội và một số giá trị của nó trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất này hiện nay (22/10/2018)
Bài viết giới thiệu về việc xây dựng bộ tư liệu về vùng Tây Nam Bộ hiện đang được lưu giữ tại Thư viện KHXH của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, do Viện Thông tin KHXH quản lý. Hàng trăm tư liệu bao gồm nhiều lĩnh vực như lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nhân học, tôn giáo, địa chí... liên quan đến vùng Tây Nam Bộ đã được khảo sát, lựa chọn và phân loại từ hàng chục ngàn tên tài liệu có trong kho của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) do Pháp bàn giao lại cho Việt Nam từ năm 1957. Đây là nguồn tư liệu gốc, phong phú, đa dạng, tin cậy nhất và vô giá trong khảo chứng và nghiên cứu sâu các vấn đề lịch sử vùng Tây Nam bộ, có ý nghĩa to lớn góp phần thiết lập cơ sở khoa học cho chiến lược phát triển vùng Tây Nam bộ trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Tác giả:
Lê Thị Lan