Một số hạn chế cơ bản của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế (22/10/2019)

Nhờ các chính sách hội nhập, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến tích cực khi sản lượng và giá trị xuất khẩu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn dưới dạng nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, liên kết sản xuất hạn chế, chất lượng sản phẩm còn thấp, khâu chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm còn yếu. Trên cơ sở tổng quan nghiên cứu về những điểm hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn tham gia thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường các nước phát triển của các sản phẩm nông nghiệp, bài viết làm rõ hơn những điểm hạn chế của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Tác giả: Lê Văn Hùng, Nguyễn Phương Thảo

Các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời trong chuyển dịch ngành năng lượng ở Việt Nam (22/10/2019)

Trong xu thế chuyển dịch theo hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và sinh hoạt. Sự dịch chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang NLTT đang diễn ra nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây như một hướng đi tất yếu. Bài viết phân tích các chính sách đã và đang được triển khai nhằm định hướng sự phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, qua đó chỉ ra những mặt làm được, những thách thức và động lực chính sách mới trong bối cảnh tăng cường tỷ phần NLTT để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, đồng thời điều tiết nguy cơ “phát triển nóng” ở địa hạt năng lượng mới này.
Tác giả: Trần Minh, Nguyễn Thị Đào

Các mô hình nhà nước thế tục trên thế giới (22/10/2019)

Mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước không phải lúc nào cũng được tách biệt rõ ràng, mà được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Trong xã hội hiện đại, các nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục được các nhà nước áp dụng tương đối phổ biến trong việc giải quyết mối quan hệ với tôn giáo bao gồm: bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; phân tách quyền lực của nhà nước với quyền lực của tôn giáo, và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhìn từ quan điểm của chủ nghĩa thế tục theo hiến pháp, các nhà nước thế tục có thể được phân thành bốn nhóm: nhóm tôn giáo dân tộc, nhóm tôn giáo dân sự, nhóm ưu tiên cho sự đa dạng tôn giáo và nhà nước thế tục trung lập.
Tác giả: Nguyễn Thị Lê

Sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến bản thân (22/10/2019)

Bài viết tập trung phân tích quan niệm của trẻ em về việc nghe lời người lớn; những rào cản trẻ em gặp phải khi bày tỏ ý kiến hay tham gia vào những hoạt động liên quan đến trẻ. Nhìn chung, trẻ em đưa ra quan niệm, không nhất thiết phải nghe lời người lớn trong mọi vấn đề liên quan đến bản thân. Những rào cản cản trở sự tham gia của trẻ em bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan, xuất phát từ bản thân trẻ cũng như từ phía gia đình, nhà trường. Nhận thức và kỹ năng về sự tham gia của trẻ còn hạn chế, trẻ dành phần lớn thời gian cho việc học tập thay vì tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó, phụ huynh chưa nhận thức hết được quyền tham gia cũng như ý nghĩa của sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến chúng. Giáo dục gia đình theo mô hình gia trưởng độc đoán vẫn còn tồn tại; cha mẹ quyết định thay con những vấn đề của con. Từ phía nhà trường, thầy cô chưa thực sự hiểu và tạo điều kiện để trẻ em tham gia vào các hoạt động và thiếu một cơ chế an toàn để trẻ em bày tỏ ý kiến.
Tác giả: Bùi Phương Thanh

Chăm sóc trẻ em trong gia đình nông thôn Việt Nam qua một số nghiên cứu (22/10/2019)

Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng. Tuy không phải là thiết chế duy nhất có vai trò chăm sóc trẻ em, nhưng gia đình bao giờ cũng là môi trường quan trọng nhất. Nhiều năm qua, gia đình là chủ đề được nghiên cứu trên nhiều góc độ, khía cạnh và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chăm sóc trẻ em trong gia đình ở khu vực nông thôn còn là một khía cạnh khá hạn chế, chưa được nghiên cứu rộng rãi. Việc tìm hiểu và khái quát những nghiên cứu đã có về chăm sóc trẻ em của gia đình, đặc biệt là các gia đình nông thôn là cần thiết. Bài viết tổng quan một số khía cạnh về chăm sóc trẻ em trong các gia đình nông thôn Việt Nam.
Tác giả: Lương Thị Thu Trang

Những thách thức của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc (22/10/2019)

Sau 41 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được bước tiến thần kỳ về mặt kinh tế. Từ năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, về mặt chính trị, chủ nghĩa xã hội hiện thực của Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Những thách thức này chủ yếu đến từ trong nước, và từ chính nền văn hóa cũng như quá trình trỗi dậy của siêu cường này.
Tác giả: Nguyễn Vân Hạnh

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk (22/10/2019)

Tín ngưỡng truyền thống là một hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu, là nhu cầu tất yếu và cần thiết đối với đời sống tinh thần của con người. Được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày luôn chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Bài viết tìm hiểu các hình thức thờ cúng tổ tiên chủ yếu, đồng thời chỉ ra những xu hướng vận động, biến đổi trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk nhằm phát huy, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống của người Tày hiện nay.
Tác giả: Lài Thị Vân