Về văn hóa đô thị và không gian văn hóa đô thị (26/10/2020)

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đô thị. Trên thực tế, đô thị chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử nói chung và lịch sử văn hóa nói riêng. Là một kiểu tổ chức đặc biệt của các không gian, chính là nhờ việc thực hiện chức năng của các không gian đó, đô thị đã trở thành các trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa hay kinh tế. Gắn liền với điều đó là con người thị dân với văn hóa thị dân và văn minh đô thị, một mặt là sản phẩm của đời sống đô thị, nhưng mặt khác lại chính là nguyên nhân tạo nên diện mạo độc đáo của đô thị. Quan niệm về không gian văn hóa là sự mở rộng quan niệm của H. Lefebvre về không gian xã hội. Theo nghĩa rộng, không gian văn hóa được coi là một trong những phương thức của sự phát triển văn hóa, gồm những thể chế hoạt động và sáng tạo văn hóa, các mạng lưới văn hóa - xã hội, các dịch vụ văn hóa... Ngày nay, nói đến không gian văn hóa, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến những không gian văn hóa cụ thể được thiết kế và sáng tạo bởi các chủ thể xác định với các mục tiêu xác định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Đời sống hôn nhân và gia đình của công nhân ở khu công nghiệp hiện nay (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) (26/10/2020)

Gia đình Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập đang gặp nhiều thách thức. Trong đó, gia đình công nhân mang nhiều đặc trưng riêng và bị tác động mạnh mẽ của bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các chính sách về hôn nhân và gia đình chưa chú ý nhiều đến công nhân di cư đến các khu công nghiệp (KCN) hiện nay. Trên thực tế, hôn nhân và gia đình của công nhân ở KCN đang đặt ra nhiều vấn đề về quản lý xã hội và phát triển gia đình theo hướng bền vững. Bài viết tìm hiểu thực trạng đời sống hôn nhân và gia đình của công nhân ở KCN, làm rõ những trở ngại và thách thức về hôn nhân và gia đình của công nhân di cư từ các vùng nông thôn đến KCN.
Tác giả: Đặng Thị Hoa, Bùi Thị Hương Trầm, Vũ Thị Cúc

Thực trạng chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 24 tháng tuổi của công nhân ở các khu công nghiệp (26/10/2020)

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2019-2020 tại tỉnh Bắc Ninh, bài viết phân tích mô hình chăm sóc và nuôi dưỡng con dưới 24 tháng tuổi của công nhân đang lao động ở các khu công nghiệp theo các tiêu chí dân tộc, nơi ở và mức sống. Kết quả phân tích cho thấy có sự khác biệt rất lớn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con giữa cha mẹ là người Kinh và cha mẹ là người dân tộc thiểu số. Nơi ở và mức sống cũng ảnh hưởng nhiều tới việc nuôi dưỡng và chăm sóc con của nhóm công nhân ở các khu công nghiệp.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Một số quan điểm đương đại về thế tục hóa tôn giáo (26/10/2020)

Quá trình mang tính lịch sử nhằm khai sáng hiểu biết của con người và tiếp theo đó là làm suy yếu hoặc giảm thiểu vai trò của tôn giáo trong thời hiện đại, đặc biệt tại châu Âu, được mô tả là quá trình thế tục hóa. Tuy nhiên, nhiều quan điểm phản đối cho rằng, lý thuyết thế tục hóa có thể không áp dụng được cho những khu vực đa tôn giáo, thậm chí còn đang bị thách thức trước sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và tính tôn giáo trong đời sống xã hội và chính trị thế giới trong những năm gần đây. Bài viết tổng hợp một số quan điểm, nhận định của các học giả quốc tế về tính thế tục của tôn giáo trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Thị Lê

Tín ngưỡng của cư dân ven biển Nam Trung bộ (26/10/2020)

Văn hóa biển vùng duyên hải Nam Trung bộ rất phong phú, đa dạng và đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là tín ngưỡng của cư dân ven biển. Bài viết tập trung làm rõ tục thờ Cá Ông, tục thờ nữ thần Thiên Y A Na và tục thờ cúng âm hồn - ba tín ngưỡng tiêu biểu của cư dân ven biển Nam Trung bộ - ở các khía cạnh nguồn gốc, đặc trưng và giá trị. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng của cư dân ven biển Nam Trung bộ trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả: Bùi Đức Mậu

Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam hiện nay: Vấn đề và giải pháp (26/10/2020)

Hiện nay, du lịch bền vững (DLBV) và phát triển DLBV đang là hướng đi mới của ngành du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu về phát triển DLBV ở Việt Nam những năm gần đây, bài viết làm rõ khái niệm DLBV, tiêu chuẩn của DLBV, phân tích thực trạng phát triển du lịch ở Việt Nam dưới góc độ bền vững, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển DLBV tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy

Khai thác tài nguyên thực vật rừng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững ở tỉnh Lào Cai (26/10/2020)

Tài nguyên thực vật rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người nói chung, sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, địa phương nói riêng. Việc khai thác nguồn tài nguyên thực vật rừng có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và môi trường. Bài viết phân tích thực trạng quản lý, khai thác tài nguyên thực vật rừng và đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai, qua đó chỉ ra một số vấn đề đối với phát triển bền vững.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Huy