Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam (21/10/2021)

Vấn đề văn hóa, con người giữ vai trò rất cơ bản, quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, được thể hiện ở nhiều nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đại hội XIII đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng chặt chẽ, tạo động lực mạnh mẽ cùng hướng đích thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bài viết gồm hai phần nội dung: (1) Một số nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; (2) Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thanh Hải

Các yếu tố phi vật chất trong quan hệ quốc tế (21/10/2021)

Trước kia, việc nghiên cứu quan hệ quốc tế (QHQT) tập trung nhiều vào các yếu tố vật chất. Đến thời hiện đại, các yếu tố phi vật chất ngày càng hiện diện nhiều hơn trong thực tiễn, đồng thời cũng tác động nhiều hơn đến QHQT. Điều này đòi hỏi cần quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu các yếu tố này. Nội dung bài viết xem xét các yếu tố phi vật chất trong lịch sử QHQT; trình bày về sự nổi lên của các yếu tố phi vật chất của thời hiện đại qua 8 biểu hiện trong QHQT; phân tích 5 nguyên nhân chính quy định sự nổi lên của các yếu tố này; đồng thời nhận diện một số yếu tố phi vật chất cùng khả năng tác động của chúng tới QHQT. Trên cơ sở đó, tác giả rút ra một số nhận định về việc nghiên cứu các yếu tố phi vật chất trong QHQT.
Tác giả: Hoàng Khắc Nam

Cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc dịch Covid-19 (21/10/2021)

Gần 2 năm kể từ khi xuất hiện virus SARS-CoV-2 (Covid-19) đến nay, giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi về nguồn gốc của dịch bệnh này. Trong khi Mỹ luôn cho rằng nguồn gốc dịch Covid-19 là do Trung Quốc gây ra, thì ở chiều ngược lại Trung Quốc cũng có những phản ứng trước động thái này. Cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt khi Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua Nghị quyết điều tra toàn diện về nguồn gốc dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc (năm 2020), và 10 nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành điều tra và đưa ra kết quả sơ bộ về nguồn gốc của dịch bệnh này (tháng 01/2021). Bài viết tập trung làm rõ những nghi vấn của Mỹ về nguồn gốc dịch Covid-19 và phản ứng của Trung Quốc; trên cơ sở đó đưa ra một số đánh giá về vấn đề này.
Tác giả: Lộc Thị Thủy

Khủng hoảng cước vận tải biển trên thế giới và giải pháp cho Việt Nam (21/10/2021)

Vận tải biển là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cuộc khủng hoảng cước vận tải biển hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy ở tất cả các cấp độ, từ người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu cho đến cấp độ quốc gia và toàn cầu. Việc tìm hiểu, chỉ ra bản chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng cước vận tải biển, kinh nghiệm ứng phó của một số cường quốc vận tải biển trên thế giới có ý nghĩa gợi mở quan trọng cho Việt Nam. Bài viết gồm 4 phần nội dung: (1) Khái quát tình hình khủng hoảng cước vận tải biển trên thế giới hiện nay; (2) Ảnh hưởng của khủng hoảng cước vận tải biển và ứng phó của một số cường quốc vận tải biển; (3) Ảnh hưởng của khủng hoảng cước vận tải biển đối với Việt Nam; (4) Một số giải pháp và kiến nghị cho Việt Nam.
Tác giả: Lê Quang Trung, Vũ Hùng Cường

Bất bình đẳng thu nhập và tầng lớp trung lưu ở Việt Nam (21/10/2021)

Bài viết đưa ra giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa tầng lớp trung lưu và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập: Ở xã hội tiền công nghiệp và giai đoạn đầu của xã hội công nghiệp, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tăng lên khi các tầng lớp trung lưu ở giữa còn nhỏ bé; ở giai đoạn sau, xã hội công nghiệp càng phát triển, các tầng lớp trung lưu ở giữa càng phình to ra, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giảm đi. Dựa trên kết quả xử lý số liệu từ các cuộc Khảo sát Mức sống Hộ gia đình Việt Nam các năm 2002-2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện, bài viết chứng minh giả thuyết nghiên cứu trên là phù hợp với thực tiễn công nghiệp hóa diễn ra ở Việt Nam giai đoạn 2002-2020; đồng thời dự báo bất bình đẳng ở Việt Nam tiếp tục giảm (từ sau năm 2020) cho đến khi kết thúc quá trình công nghiệp hóa.
Tác giả: Đỗ Thiên Kính

Tôn giáo trong không gian công: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (21/10/2021)

Tôn giáo tuy có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhưng cũng luôn là một trong những vấn đề phức tạp và gây tranh cãi, đặc biệt trong mối liên hệ với chính trị (nhà nước), các quyền cơ bản của con người, nền dân chủ tự do... Từ khía cạnh lý thuyết, bài viết góp phần làm rõ sự phân định giữa lĩnh vực công (public sphere) và lĩnh vực tư (private sphere), tôn giáo trong không gian công (public sphere)/lĩnh vực công. Bài viết cũng đồng thời phân tích mâu thuẫn về việc tự do thể hiện biểu tượng tôn giáo trong không gian công (trường hợp Cộng hòa Pháp).
Tác giả: Nguyễn Thị Lê

Truyền thông xã hội trong lưu trữ - Giải pháp hữu hiệu phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong thời đại số (21/10/2021)

Trong các phương thức truyền thông, truyền thông xã hội (social media) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sự ra đời của truyền thông xã hội đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức về truyền tải, tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu đa dạng của cộng đồng. Đối với công tác lưu trữ trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc ứng dụng truyền thông xã hội được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi của xã hội với công tác lưu trữ và các cơ quan lưu trữ.
Tác giả: Nguyễn Trung Đức