Một số vấn đề về nghiên cứu, vận dụng mối quan hệ giữa triết học với các khoa học cụ thể trong đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay (15/11/2023)
Triết học của các khoa học cụ thể và mối quan hệ giữa triết học với các khoa học cụ thể là vấn đề cần được quan tâm trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, không chỉ trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành triết học mà còn rất thiết thực đối với nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực, các ngành đào tạo trình độ đại học. Bài viết luận giải mối quan hệ giữa triết học với các khoa học cụ thể; đồng thời gợi mở một số vấn đề cần đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng triết học của các khoa học trong đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Duy Nhiên
Một số mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam (15/11/2023)
Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận thay thế cho nền kinh tế tuyến tính, được cộng đồng quốc tế đánh giá là phương cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường; tạo ra cơ hội mới giúp gia tăng việc làm, nền kinh tế thêm đà tăng trưởng; giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, giảm tác động xấu đến môi trường; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới. Bài viết tìm hiểu mô hình kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia Canada, Thụy Điển và Singapore; từ đó đúc rút kinh nghiệm và khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Tác giả:
Ngô Thị Mai Diên
Hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) những năm gần đây (15/11/2023)
Với 183,8 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai trở thành nút giao thông quan trọng, điểm trung chuyển lưu thông hàng hóa, hợp tác thương mại giữa các tỉnh trong vùng cũng như giữa Việt Nam với Trung Quốc. Bài viết đề cập đến các chiều cạnh: (i) Cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam; (ii) Tình hình hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam; (iii) Những tồn tại, hạn chế trong hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam; (iv) Một số giải pháp phát triển hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam thời gian tới.
Tác giả:
Hà Thu Thủy
Tự chủ hóa của các cơ sở văn hóa - nghệ thuật công lập tại Nhật Bản những năm gần đây (15/11/2023)
Vấn đề tự chủ đã sớm được bàn thảo ngay từ giai đoạn đầu của các chính sách văn hóa hiện đại của Nhật Bản, xuất phát từ sự né tránh của chính quyền trung ương trong việc hoạch định các chính sách văn hóa - nghệ thuật quốc gia và địa phương sau thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bởi vậy, cho đến cuối những năm 1980, chính quyền địa phương và khu vực tư nhân đã luôn là động lực chủ đạo cũng như nền tảng hậu thuẫn cho sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật của Nhật Bản. Từ những năm 1990, nhiều chuyển biến lớn đã diễn ra cùng với sự phát huy tích cực vai trò hoạch định và điều tiết chính sách văn hóa quốc gia của chính quyền trung ương. Bài viết tổng thuật một số khía cạnh chủ yếu trong các khảo cứu và thảo luận của giới nghiên cứu Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực tự chủ hóa của hệ thống cơ sở văn hóa - nghệ thuật công lập tại quốc gia này trong những năm gần đây.
Tác giả:
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
Cuộc chiến thông tin giữa Nga và Ukraine trên mặt trận mạng xã hội (15/11/2023)
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra gay gắt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022. Bên cạnh cuộc chiến quân sự trên thực địa, hai bên cũng đang tích cực tiến hành cuộc chiến thông tin nhằm chiếm được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cũng như dân chúng trong nước. Cụ thể, phía Nga liên tục sử dụng mọi kênh truyền thông nước ngoài cũng như trong nước để biện minh cho hành động quân sự của mình là hợp pháp và cần thiết nhằm bảo vệ hòa bình khu vực. Ngược lại, Ukraine cũng nỗ lực tối đa nhằm khắc họa hình ảnh một đất nước đang bị xâm lược vô cớ, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp nhân đạo và quân sự của quốc tế.
Tác giả:
Phạm Phương Hà
Tín ngưỡng thờ thần biển ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (15/11/2023)
Tín ngưỡng thờ thần biển có vai trò quan trọng trong đời sống của ngư dân ven biển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tinh thần của ngư dân; giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, làm phong phú hệ giá trị văn hóa của dân tộc; hình thành tình yêu gia đình, quê hương đất nước, cố kết cộng đồng; là môi trường nảy sinh, tích hợp và bảo tồn, chuyển tải giá trị văn hóa nghệ thuật. Tín ngưỡng thờ thần biển đã trở thành đặc trưng văn hóa giúp phân biệt cộng đồng ngư dân với các cộng đồng tộc người khác. Bài viết tập trung giới thiệu một số tín ngưỡng thờ thần biển tiêu biểu ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa như thờ cá Ông (cá Voi), thờ Tứ vị Thánh nương, thờ Đức vua Cha thông thủy Nẹ Sơn nhằm làm rõ hơn vai trò, giá trị của các tín ngưỡng này trong đời sống của ngư dân ven biển nơi đây, qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả:
Phạm Thị Hà Xuyên
Các lý thuyết vận dụng trong nghiên cứu về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới (Nghiên cứu trường hợp ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (15/11/2023)
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn để thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân. Mức độ thành công và hiệu quả của xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song không thể không nói tới vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày một số lý thuyết chính được vận dụng để nghiên cứu vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu trường hợp ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, qua đó giúp các chủ thể trong hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở có những tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở trong thực hiện vai trò xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tác giả:
Kanha Senthamavong