Đổi mới và phát triển ở Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (02/10/2008)
Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu của Đề tài độc lập cấp nhà nước của Hội đồng Lý luận Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Công trình này đã góp phần quan trọng vào việc hình thành “Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 20 năm đổi mới” (1986-2006). Những vấn đề chính của Báo cáo này đã được chắt lọc đưa vào văn kiện Đại hội X của Đảng.
Với gần 500 trang nội dung, cuốn sách đã nêu bật quá trình hình thành và phát triển đường lối đổi mới; phân tích về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng văn hóa và con người; cơ cấu xã hội và một số vấn đề xã hội bức xúc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới; đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tác giả:
Nguyễn Phú Trọng ch.b.; Đàm Đức Vượng g.th.
Về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - vận dụng ở Thủ đô Hà Nội (02/10/2008)
Từ những kinh nghiệm của thực tiễn 20 năm đổi mới, bài viết tập trung luận giải những cơ sở khách quan về kinh tế và chính trị của sự hình thành thể chế kinh tế thị trường nói chung và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng; đưa ra những phân tích khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bài viết cũng phân tích và làm rõ về con đường xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn từ nay đến 2010 và 2020.
Tác giả:
Trần Ngọc Hiên
Giới thiệu vốn thư tịch về Hà Nội được lưu trữ ở Thư viện Khoa học xã hội (02/10/2008)
Kế thừa vốn thư tịch của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Thông tin Khoa học xã hội là một trong những thư viện lớn của đất nước. Bài viết giới thiệu tổng thể vốn thư tịch về Hà Nội, hiện được lưu trữ ở những kho được coi là quý hiếm của Thư viện này. Đó là các kho Latinh cũ, Thần tích - Thần sắc, Hương ước và ảnh. Phần lớn vốn thư tịch này đã được đưa vào những cơ sở dữ liệu - thư mục, giúp bạn đọc dễ dàng tra cứu khi cần khai thác.
Tác giả:
Vương Toàn
Về quá trình dân chủ hóa ở một số nước hiện nay (02/10/2008)
Dân chủ hóa, theo tác giả, là quá trình biến những khả năng, những tiền đề dân chủ thành hiện thực dân chủ trong đời sống xã hội; là những cuộc vận động, những phong trào xã hội trong đó các tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện các thể chế dân chủ; là quá trình các tầng lớp nhân dân làm quen với việc thực hành dân chủ, hình thành thói quen và tập quán dân chủ, nếp sống và lối sống dân chủ. Ngày nay, quá trình dân chủ hóa đang là một thực tế ở nhiều nước, diễn ra do nhiều nguyên nhân, với nhiều nội dung và hình thức, mức độ và tính chất, mục tiêu và nguyên tắc khác nhau. Tìm hiểu quá trình dân chủ hóa ở các nước là nhằm tìm kiếm những tham khảo có ích đối với quá trình dân chủ hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tác giả:
Lê Minh Quân
Lộ trình tiến tới Cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (02/10/2008)
Bài viết giới thiệu sự ra đời của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), những nội dung hoạt động chủ yếu của APEC, các mốc phát triển và thành tựu của APEC từ khi thành lập (năm 1989) cho đến nay. Bài viết cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của APEC cần phải giải quyết vì sự phát triển của mình trong tương lai; đồng thời nêu rõ một số xu hướng hoạt động của APEC trong thời gian tới.
Tác giả:
Tùng Khánh, Trần Quang Vinh
Internet - hành lang mới cho những người lao động và những thời cơ mới cho tổ chức hiệp hội thương mại Phần Lan (02/10/2008)
Cuộc cách mạng thông tin diễn ra sôi động đang tác động sâu sắc, làm thay đổi mọi hoạt động kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới và đưa nhân loại sang một bước chuyển mới trong thế kỷ XXI. Làm thế nào để công nghệ thông tin đến với tất cả những người lao động? Ở bài này, tác giả phân tích những thách thức và những cơ hội mà công nghệ thông tin mang lại cho các tổ chức hiệp hội thương mại và các tổ chức phi chính phủ (NGOs); đặc biệt nhấn mạnh vấn đề làm thế nào để sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để làm mạnh thêm việc tương tác thông tin (trao đổi thông tin hai chiều), để tăng tính cộng đồng và tính dân chủ trong các thành viên của tổ chức hiệp hội thương mại.
Tác giả:
Sari Aalto-Matturi; Vũ Hạnh l.th.
Tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong điều kiện toàn cầu hóa (02/10/2008)
Bài viết xem xét ảnh hưởng của toàn cầu hoá đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát trên toàn thế giới; tìm hiểu những nét đặc trưng của nhóm các nước có mức độ phát triển khác nhau. Một số nhận định cần lưu ý trong bài viết này là: 1) Tự do thương mại với tính cách là khía cạnh then chốt của toàn cầu hoá đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới; 2) Toàn cầu hoá có tác động tích cực đến lạm phát thế giới theo hai hướng chính: toàn cầu hoá thúc đẩy cạnh tranh và bản thân cạnh tranh lại có tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp tới lạm phát. Tác động thứ hai của toàn cầu hoá gắn với tiết kiệm cá nhân: biên giới mở rộng và chi phí chuyển đổi tương đối thấp cho phép người dân lựa chọn: giữ tiền tiết kiệm của mình bằng đồng nội tệ đang mất giá hoặc bằng những tài sản có danh nghĩa như đồng dollar.
Tác giả:
Nikitina Nina Igorevna; Thu Thủy d.