Khát vọng phát triển (26/12/2015)

Ở tầm vĩ mô, một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của con người và văn hóa Đông Á qua 15 năm đầu của thế kỷ XXI là tâm thế cháy bỏng vươn tới thịnh vượng (Psychosphere for Development); nếu gọi theo đúng tính chất thì đó là “cơn khát phát triển” hay “khát vọng phát triển”. Bài viết đề cập đến cơn khát “hóa rồng” ở châu Á; phân tích điều kiện cần và điều kiện đủ để thỏa mãn khát vọng phát triển; nhìn nhận khát vọng phát triển đi qua những mâu thuẫn ở Việt Nam.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Quan điểm macxit và một số lý thuyết phương Tây đương đại về bản chất của trí tuệ (26/12/2015)

Bài viết tập trung phân tích quan điểm macxit về bản chất và vai trò của trí tuệ với tư cách là một nguồn lực; giới thiệu một số lý thuyết phương Tây đương đại về trí tuệ và các yếu tố cấu thành trí tuệ như Lý thuyết hai yếu tố của Spearman, Lý thuyết hai yếu tố của Cattell, Mô hình các yếu tố ưu trội của Thurstone, Mô hình cấu trúc trí tuệ của Jaeger, Mô hình ba lý thuyết về trí tuệ của Sternberg, Lý thuyết đa trí tuệ theo quan niệm của Howard Gardner… cho thấy, trí tuệ bao gồm nhiều yếu tố khá phức tạp và cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết.
Tác giả: Nguyễn Chí Hiếu

Tiêu chuẩn quốc tế đối với tạp chí khoa học và việc vận dụng ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (26/12/2015)

Tạp chí khoa học là nơi công bố, đăng tải, phổ biến những kết quả nghiên cứu, những tri thức mới của các nhà khoa học. Ở Việt Nam, vấn đề nâng cao chất lượng và uy tín luôn là mục tiêu hướng tới trong chiến lược phát triển của nhiều tạp chí, trong đó có các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Bài viết phân tích những tiêu chuẩn quốc tế đối với tạp chí khoa học; đánh giá một cách khái quát thực trạng các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp xây dựng tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Tác giả: Ngô Văn Vũ

Các phương pháp trích dẫn và hệ thống chỉ dẫn tham khảo (26/12/2015)

Bài viết trình bày khái lược các khái niệm về tài liệu trích dẫn, tài liệu được trích dẫn, liên kết đồng trích dẫn, liên kết thư mục, chỉ số tác động (Impact Factor) của tạp chí, chỉ dẫn trích dẫn khoa học (Science Citation Index); nêu sự cần thiết phải phản ánh đầy đủ, trung thực việc trích dẫn trong các công trình nghiên cứu; giới thiệu hai hệ thống chỉ dẫn tham khảo: Hệ thống chỉ dẫn tham khảo Oxford (Oxford Referencing System) và Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với việc trình bày trích dẫn trong các luận án khoa học.
Tác giả: Nguyễn Huy Chương, Trần Mạnh Tuấn

Liên kết xã hội của công nhân Việt Nam: Tiếp cận tổng quan các nghiên cứu liên kết xã hội (26/12/2015)

Liên kết xã hội là khái niệm liên kết hay hòa nhập nói lên sự kết hợp thích ứng với nhau giữa các yếu tố cấu thành một hệ thống, cho phép các yếu tố đó tạo thành một chỉnh thể cân đối. Liên kết xã hội của công nhân trong các khu công nghiệp là một vấn đề nghiên cứu mới. Trên cơ sở tiếp cận lý thuyết “Cấu trúc xã hội” của Peter Blau, lý thuyết “Cấu trúc tinh thần và mạng lưới các quan hệ giữa các vị trí khách quan” của Pierre Bourdieu, tác giả đã tiếp cận các kết quả nghiên cứu từ các công trình, bài viết… trên cấp độ liên kết xã hội cấp cá nhân, nhóm, thiết chế từ năm 1996 đến năm 2014 nhằm bước đầu phân loại các nghiên cứu ở Việt Nam theo một phương pháp luận tiếp cận khoa học nhất định, đối với một quan hệ xã hội nhất định.
Tác giả: Lê Thị Hồng Nhung

Các chính sách bảo tồn văn hóa của Nhật Bản hiện nay (26/12/2015)

Nhật Bản là một trong những quốc gia bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống, và là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á cũng như trên thế giới quan tâm đến vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa. Tác giả bài viết giới thiệu khái quát nội dung các chính sách và hiện trạng bảo tồn văn hóa ở Nhật Bản hiện nay. Việc xây dựng hệ thống chính sách, hệ thống quản lý ngân sách, phương thức bảo tồn đều nhằm đảm bảo sự hài hòa của các công trình phát triển, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, xúc tiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn.
Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy

Mối quan hệ giữa bất bình đẳng trong thu nhập, nghèo đói và tội phạm ở các quốc gia (tiếp theo) (26/12/2015)

Khảo nghiệm mối quan hệ giữa bất bình đẳng trong thu nhập, nghèo đói và các loại tội phạm khác nhau, các tác giả bài viết đưa ra kết quả cho thấy, bất bình đẳng sẽ không liên quan đến tỷ lệ giết người nếu nghèo đói được kiểm soát. Kết quả các phân tích nhiều cấp độ trong Khảo sát quốc tế về nạn nhân của tội ác (International Crime Victimization Survey - ICVS) cũng cho thấy, bất bình đẳng sẽ không liên quan đến việc hành hung, cướp bóc, đột nhập và trộm cắp nếu nghèo đói được kiểm soát. Theo các tác giả, đây cũng là cơ sở lý luận để nghi ngờ nhận định về mối quan hệ giữa mức độ bất bình đẳng thu nhập của một quốc gia và khả năng xảy ra hành vi phạm tội. Tạp chí Thông tin KHXH giới thiệu phần tiếp theo của bài viết.
Tác giả: Paul-Philippe Pare, Richard Felson; Lan Anh d.