Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những vấn đề đặt ra với Việt Nam (21/11/2018)

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm cho quan hệ hai nước lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong vòng 40 năm qua. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bài viết trình bày và phân tích các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc; đồng thời làm rõ những giải pháp ứng phó của Trung Quốc; qua đó rút ra một số nhận xét bước đầu.
Tác giả: Đỗ Tiến Sâm

Hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những thách thức an ninh phi truyền thống (21/11/2018)

Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang là một điểm nóng về các thách thức an ninh phi truyền thống. Các thách thức này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia cùng có kế hoạch ứng phó cụ thể, dài hạn, đặc biệt là thông qua các cơ chế hợp tác đa phương. Bài viết khái quát một số thách thức an ninh phi truyền thống nổi trội hiện nay tại châu Á - Thái Bình Dương, tìm hiểu tiến trình hợp tác tại một số thể chế đa phương trong khu vực trên cơ sở tổng quan một số tài liệu của các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu về vấn đề này.
Tác giả: Lại Thị Thanh Bình, Lương Thị Thu Trang

Tự do học thuật trong các trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản: Một vài gợi ý cho Việt Nam (21/11/2018)

Hiện nay trường đại học là cỗ máy then chốt của xã hội tri thức và chính tự do học thuật là giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu của trường đại học. Tuy nhiên, khái niệm “tự do học thuật” còn đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó chúng ta thường đánh đồng chúng với quyền tự do biểu hiện, nhưng thực tế tự do học thuật là quyền tự do giảng dạy, nghiên cứu và tìm kiếm tri thức mà không bị sự can thiệp bất hợp lý hoặc các hạn chế từ luật, quy định về thể chế, hay áp lực từ công chúng. Bài viết giới thiệu khái quát về tự do học thuật trong các trường đại học của Mỹ và Nhật Bản nhằm chỉ ra những điểm tích cực trong vấn đề này, qua đó đưa ra một vài gợi ý cho Việt Nam.
Tác giả: Bùi Thị Minh Phượng, Lưu Thị Thu Thủy

Chủ nghĩa nữ quyền và phân tâm học (21/11/2018)

Phân tâm học do nhà tâm lý học, nhà triết học người Áo Sigmund Freud sáng lập vào cuối thế kỷ XIX. Ngay từ khi ra đời, cách tiếp cận “độc đáo và khác lạ” của phân tâm học đã thực sự gây chấn động giới học thuật lúc bấy giờ. Hơn một thế kỷ trôi qua, phân tâm học đã gieo ảnh hưởng sâu đậm nơi nhiều trào lưu triết học đương đại. Từ giữa thế kỷ XX, phân tâm học bắt đầu được các nhà tư tưởng nữ quyền tiếp cận nghiên cứu nhằm phục vụ cho chiến lược nữ quyền. Bài viết tập trung làm rõ mối quan hệ đa diện giữa chủ nghĩa nữ quyền và phân tâm học, qua đó cung cấp một cái nhìn phong phú hơn về cả hai khuynh hướng lý luận đang thịnh hành ở phương Tây ngày nay.
Tác giả: Nguyễn Việt Phương

Nhận diện các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam hiện nay (21/11/2018)

Các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam ra đời từ những năm 1990 dưới nhiều tên gọi như các quỹ, các hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức dân sự, v.v… hoạt động mang tính chất phi lợi nhuận, sau này (từ năm 2013) được gọi chính thức là các tổ chức phi lợi nhuận. Hiện nay, các tổ chức này đang thiếu một hành lang pháp lý hỗ trợ phù hợp, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạt động và phát triển của các tổ chức. Các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, đang hoạt động khá đa dạng, đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển đất nước, thể hiện qua một số vai trò như: hỗ trợ tài chính, giải quyết các vấn đề cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin.
Tác giả: Nguyễn Thanh Thủy

Cơ sở dữ liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam: Tiếp cận từ góc độ bảo tàng học (21/11/2018)

Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có nét đặc sắc riêng trong nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Công việc này đang được triển khai một cách dàn trải, thiếu tính hệ thống và khoa học. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu, sưu tầm, phân loại, lưu trữ và khai thác cũng còn nhiều bất cập. Vì vậy, việc lựa chọn giải pháp phù hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại nhằm bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là yêu cầp cần thiết trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Phạm Văn Dương

Một số nghiên cứu về vấn đề môi trường biển ở Việt Nam những năm gần đây (21/11/2018)

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, vấn đề môi trường biển được các nhà nghiên cứu ở Việt Nam khá quan tâm. Bài viết tổng quan một số nghiên cứu liên quan đến môi trường biển ở Việt Nam những năm gần đây theo hai nội dung chính: thực trạng ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam; thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường biển.
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Hạnh