Định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (21/11/2019)
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) của Việt Nam đang dần đi đến những năm cuối với dự kiến đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kế thừa và phát huy tốt những thành quả nổi bật của thời kỳ trước, đó là vượt qua tình trạng nước nghèo để chính thức trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy vẫn còn ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ Chiến lược mới (2021-2030) với những cơ hội mới và tâm thế mới để vươn tới khát vọng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia thịnh vượng và có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Bài viết bàn về một số định hướng phát triển lớn, bao gồm các yếu tố về thể chế, về mô hình tăng trưởng, về các nguồn lực, động lực để hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu khát vọng nêu trên.
Tác giả:
Bùi Tất Thắng
Vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam (21/11/2019)
Phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề có tính quy luật được quy định bởi sự vận động khách quan của đời sống kinh tế - xã hội. Bài viết khái quát quá trình nhận thức, thực tiễn phân cấp, phân quyền và đề xuất hướng về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Vũ Thư
Những lớp đắp bồi lịch sử và văn hóa tại một cửa biển: Nghiên cứu trường hợp cửa biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh (21/11/2019)
Bài viết sử dụng các cách tiếp cận nhân học về không gian, nơi chốn và định vị văn hóa để phân tích một trường hợp của cửa biển Việt Nam, cửa biển Kỳ Anh ở tỉnh Hà Tĩnh, với giả thuyết là: vùng văn hóa (cultural area) có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện văn hóa của một phạm vi rộng lớn hơn, nhưng nó chỉ cung cấp một cái nhìn tĩnh tại (và có thể là định kiến); trong khi đó, không gian văn hóa (cultural space) chỉ ra những đặc điểm của các phạm vi hẹp hơn nhưng vẫn mang tính định tính; và vì vậy, nơi chốn văn hóa (cultural place) mới cung cấp một cái nhìn động tại địa điểm của các thực hành văn hóa với tất cả nét riêng và những biến đổi qua dâu bể thời gian.
Tác giả:
Trần Thị An
Các phương án giải quyết xung đột văn hóa của chủ nghĩa đa văn hóa (21/11/2019)
Chủ nghĩa đa văn hóa ra đời và phát triển ở phương Tây từ thập niên 60 của thế kỷ XX với tư cách một chính sách xã hội nhằm ứng phó với tình trạng đa dạng văn hóa do sự xuất hiện của các cộng đồng nhập cư. Không chỉ dừng lại với tư cách một chính sách của nhà nước, chủ nghĩa đa văn hóa ngày nay còn tồn tại với tư cách một lý thuyết văn hóa nhằm giải quyết mối quan hệ giữa đa dạng và thống nhất của văn hóa. Với triết lý của mình, chủ nghĩa đa văn hóa mang đến các phương án giải quyết những xung đột văn hóa như: bảo vệ tính đa dạng văn hóa, giáo dục đa văn hóa và khoan dung văn hóa.
Tác giả:
Bùi Thị Minh Phượng, Nguyễn Thi Phương
Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và sự lựa chọn mô hình phù hợp cho Việt Nam (21/11/2019)
Trong hai thập niên gần đây, câu chuyện thành công của ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) trên phạm vi toàn cầu đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và cách tiếp cận đối với ngành kinh tế này ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một bộ khung lý thuyết hoàn chỉnh và phù hợp cho các chiến lược phát triển lâu dài của ngành CNVH trong thời gian tới. Trong đó, việc phát triển theo hướng là CNVH theo nhận thức truyền thống hay là ngành công nghiệp sáng tạo vốn đã được thừa nhận và phát triển tại nhiều nước trên thế giới, là một vấn đề cần được xem xét thấu đáo, nhằm hướng đến một sự thống nhất trong cách tiếp cận và tìm kiếm một mô hình phát triển phù hợp cho Việt Nam.
Tác giả:
Lại Thị Thanh Bình
Biến đổi hôn nhân - gia đình và nhận thức của thanh niên về hôn nhân - gia đình (21/11/2019)
Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về nhận thức của thanh niên trong hôn nhân - gia đình cho thấy, ý nghĩa của hôn nhân đã biến đổi phù hợp với mức độ phát triển và biến đổi xã hội. Nhiều nghiên cứu ở Mỹ và các nước phát triển chỉ ra sự “lỏng lẻo” của thiết chế hôn nhân dẫn đến tình trạng ly hôn, sống chung không kết hôn đã làm thay đổi quan niệm và nhận thức của thanh niên về ý nghĩa của hôn nhân - gia đình. Các yếu tố văn hóa và tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng đến sự thay đổi nhận thức của thanh niên về hôn nhân và gia đình. Mặc dù tiến hành công nghiệp hóa muộn hơn so với các nước phương Tây nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Ấn Độ đã đạt được mức độ phát triển cao về kinh tế, tuy nhiên nhận thức hướng đến ly hôn hoặc sống chung không kết hôn của thanh niên ở các nước này vẫn là tiêu cực. Sự khác biệt giới tác động đáng kể đến nhận thức của thanh niên về hôn nhân và gia đình.
Tác giả:
Nguyễn Thị Thu Nguyệt
Tình hình nghiên cứu lịch sử văn học phương Tây tại Việt Nam từ năm 1986 đến nay (21/11/2019)
Ở Việt Nam, nghiên cứu về lịch sử văn học phương Tây, các nhà nghiên cứu đã tổng kết theo các giai đoạn chủ yếu sau: văn học cổ đại Hy Lạp, văn học thời Phục hưng, văn học phương Tây thế kỷ XVII, văn học phương Tây thế kỷ XVIII, văn học phương Tây thế kỷ XIX, văn học phương Tây từ thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm riêng và để lại những dấu ấn nhất định. Nhìn chung, so với trước Đổi mới, việc nghiên cứu lịch sử văn học phương Tây ở Việt Nam đã trở nên phong phú, đa dạng hơn rất nhiều, cùng với đó là những cách nhìn mới mẻ, khách quan hơn. Bài viết trình bày tình hình nghiên cứu lịch sử văn học phương Tây tại Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Tác giả:
Phạm Quỳnh An