Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam (26/11/2021)

Đại dịch Covid-19 gây ra sự sụt giảm cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tránh nguy cơ phá sản và hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, từ các chính sách hỗ trợ tài chính đến các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp. Bài viết gồm 3 nội dung chính: (1) Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của các doanh nghiệp ở các quốc gia trên thế giới; (2) Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia; (3) Một số hàm ý cho Việt Nam.
Tác giả: Phí Vĩnh Tường, Võ Thị Minh Lệ, Nguyễn Thị Hồng Nga

Sự tham gia quản lý nhà nước của công dân ở Trung Quốc và bài học cho Việt Nam (26/11/2021)

Trong đời sống chính trị đương đại của mỗi quốc gia, vai trò của công dân trong hoạt động quản lý nhà nước ngày càng tăng. Điều đó phản ánh xu thế phát triển tất yếu khách quan của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Ở Trung Quốc, sự tham gia quản lý nhà nước của công dân có tác động quan trọng về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là thúc đẩy khoa học hóa, dân chủ hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bài viết làm rõ khái niệm sự tham gia quản lý nhà nước của công dân; khái quát về sự tham gia quản lý nhà nước của công dân ở Trung Quốc, và rút ra một số bài học cho Việt Nam.
Tác giả: Trương Thị Thu Trang

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ: Từ Donald Trump đến Joe Biden (26/11/2021)

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có yếu tố địa chính trị, địa chiến lược trọng yếu. Trong nhiều thập kỷ qua, các cường quốc, trong đó có Mỹ luôn có những sách lược nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và bảo vệ lợi ích của mình tại đây. Cuối năm 2017, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục tiêu cốt lõi nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì vị thế số 1 của Mỹ. Ông Joe Biden từ khi trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 (tháng 01/2021) đã tiếp tục triển khai chiến lược này. Bài viết tập trung làm rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hai chính quyền Tổng thống Mỹ là D. Trump và J. Biden để thấy được sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới đối với khu vực.
Tác giả: Trần Thị Thanh

“Chương trình Phát triển Năng suất 4.0” của Đài Loan và gợi mở cho Việt Nam (26/11/2021)

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Đó là một xu hướng mới, xuất hiện chưa lâu, nhưng đã làm thay đổi diện mạo của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính phủ Đài Loan đã kịp thời đề ra những chiến lược, chính sách mới phù hợp với cuộc CMCN 4.0 và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bài viết trình bày các nội dung chủ yếu của chiến lược thúc đẩy CMCN 4.0 ở Đài Loan, cụ thể là “Chương trình Phát triển Năng suất 4.0”, từ đó phân tích tình hình triển khai chiến lược với những kết quả đạt được cũng như các thách thức mà nền công nghiệp Đài Loan phải đối mặt, qua đó gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tác giả: Phan Thị Diễm Huyền

Đào tạo số trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam (26/11/2021)

Thúc đẩy giáo dục nói chung, tiếp cận đào tạo số trong giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng là điều kiện căn bản để đẩy mạnh phát triển bền vững giáo dục trong tương lai. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với công cuộc chuyển đổi số trong những năm gần đây là một nhân tố mới góp phần định hình lại tổ chức GDĐH. Chuyển đổi GDĐH sang đào tạo số có thể tạo ra đột phá trong thúc đẩy phát triển GDĐH ở hai phương diện là tăng cường sự tiếp cận của người học và nâng cao chất lượng đào tạo nhờ khai thác sức mạnh công nghệ. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm đào tạo số trong GDĐH của Hàn Quốc và Singapore, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi GDĐH sang đào tạo số ở Việt Nam.
Tác giả: Đặng Thị Thu Giang

Tổng quan về an ninh công việc: Khái niệm, vai trò, yếu tố ảnh hưởng và giải pháp (26/11/2021)

Bài viết tổng quan các công trình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam về vấn đề an ninh công việc (ANCV) trong khoảng 20 năm trở lại đây đối với các nghiên cứu thực nghiệm và từ những năm 60 của thế kỷ XX với các công trình nghiên cứu lý thuyết, bao gồm việc tổng hợp và phân tích về các vấn đề: khái niệm, vai trò của ANCV, các yếu tố ảnh hưởng tới ANCV ở các cấp độ khác nhau, và các giải pháp nhằm đảm bảo ANCV.
Tác giả: Trần Thị Thanh Tuyến

Vai trò của thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay (26/11/2021)

Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam đã được triển khai sâu rộng trên khắp cả nước suốt những năm qua với nhiều nội dung khác nhau, trong đó xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) là một trong những vấn đề trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, thay đổi diện mạo nông thôn. Bài viết tổng quan làm rõ thực trạng vai trò của các TCVHCS trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của TCVHCS trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.
Tác giả: Bùi Đức Mậu