Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (10/12/2008)

Nội dung bài viết là báo cáo tổng kết Hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” của GS., NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Hội thảo được Hội Sử học Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức trong hai ngày 18 và 19 tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp (1558-2008), nhằm tôn vinh những cống hiến của chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ, thống nhất đất nước, xây dựng quốc gia thống nhất và để lại một di sản văn hoá đồ sộ trong di sản văn hoá dân tộc.
Tác giả: Phan Huy Lê

Xử lý để khai thác tối ưu tài nguyên thông tin về Việt Nam học (10/12/2008)

Tác giả bài viết mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc đôi điều suy nghĩ về vấn đề: đã đến lúc cần có sự đồng thuận giữa các trung tâm thông tin - thư viện khoa học, cùng nhau thực hiện một chương trình chung về Việt Nam học, cùng hội nhập và phát triển với ngành thông tin - thư viện thế giới.
Tác giả: Vương Toàn

Vai trò của pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách (10/12/2008)

Sự hình thành và phát triển nhân cách gắn liền với sự tác động đa chiều của môi trường gia đình, nhà trường và xã hội với những yếu tố phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hoá. Sự hình thành và phát triển nhân cách là sản phẩm trực tiếp của quá trình giáo dục và rèn luyện của chủ thể nhân cách, trong một mức độ đáng kể là sản phẩm của giáo dục pháp luật. Trong cuốn sách này, tác giả tập trung làm rõ các nội dung: nhân cách và môi trường xã hội; vai trò của pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách của người chưa thành niên; pháp luật và đặc điểm giáo dục pháp luật đối với người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, tác giả rút ra những vấn đề về giáo dục pháp luật đối với thế hệ công dân tương lai của đất nước.
Tác giả: Nguyễn Đình Đặng Lục; Vân Hà l.th.

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong lịch sử triết học trước Marx (10/12/2008)

Bài viết đề cập đến lịch sử tư tưởng về nhà nước pháp quyền qua các thời kỳ: trong triết học Trung Quốc cổ đại, trong triết học Hy Lạp cổ đại, trong triết học Tây Âu Phục hưng và cận đại, và trong triết học cổ điển Đức; đồng thời phân tích và đối sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hệ tư tưởng này.
Tác giả: Hoàng Thị Hạnh

Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ - hai cốt cách nho sĩ vào mở đầu triều Nguyễn (10/12/2008)

Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ - cả hai cùng là sản phẩm của một thời đại, và là tiếng nói tiêu biểu cho giới trí thức Nho học trọn nửa đầu thế kỷ XIX, với những thử thách và bi kịch đặt ra không còn giống với thế kỷ XVIII trước đó, và cũng không giống nửa sau thế kỷ XIX, khi đất nước phải trực tiếp đối đầu rồi mất vào tay chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Tác giả: Phong Lê

Châu Á - kiến tạo tương lai (10/12/2008)

Tác giả bài viết phân tích những chính sách mà chính quyền sắp tới của nước Mỹ cần làm đối với châu Á - Thái Bình Dương để bắt kịp nhịp độ thay đổi của khu vực này, đồng thời kiến tạo những mối quan hệ mới tất yếu sẽ biến đổi do sự thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực. Những chính sách đó là: lựa chọn một nhân vật cấp cao có tiếng nói ủng hộ châu Á trong chính quyền mới; tránh khuynh hướng thành lập liên minh dựa trên cơ sở dân chủ hoặc các giá trị chung; từ bỏ luận điệu “cuộc chiến chống khủng bố”; sớm quyết định cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc; chứng tỏ lập trường kiên định đối với vấn đề Đài Loan; và xác định những ưu tiên đối với CHDCND Triều Tiên; v.v…
Tác giả: Douglas H. Paal; Lê Xuân Tùng l.th.

Về Kenzaburo Oe - nhà văn Nhật Bản nhận giải Nobel văn học năm 1994 (10/12/2008)

Bài viết giới thiệu thân thế sự nghiệp của Kenzaburo Oe - nhà văn nổi tiếng, uy tín nhất ở Nhật Bản hiện nay, người được trao tặng nhiều giải thưởng khác nhau, trong đó có giải Nobel văn học năm 1994, cho những tác phẩm miêu tả sâu sắc, ấn tượng mối quan hệ cá nhân giữa con người với con người trong một thế giới hỗn độn, cho những câu chuyện của một nước Nhật trong thời kỳ hiện đại, cho nỗ lực tìm kiếm chân lý đạo đức của thế giới sau chiến tranh. Nhà văn - người nắm giữ lương tâm của loài người, nhân chứng của thời đại, hơn nữa là người phác thảo tương lai và Kenzaburo Oe được nhận định là người mang đủ tầm vóc khái quát ấy.
Tác giả: Lưu Thị Thu Thuỷ