Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa - con đường và bước đi (11/01/2011)
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương, tập trung giải quyết ba khối vấn đề lớn. Một là làm rõ và hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn của Việt Nam. Hai là phân tích quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thực tiễn đổi mới của Việt Nam, tập trung trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, ở các lát cắt nội dung chủ yếu, trên cơ sở đó đưa ra đánh giá cơ bản về thực trạng, xu hướng (kết quả) và nguyên nhân của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở cấp độ mô hình. Ba là xác định những đường nét chính của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hội nhập, tập trung làm rõ quan điểm tiếp cận và định dạng cơ bản của mô hình; làm rõ một số nội dung quan trọng của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn của giai đoạn phát triển mới - giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong môi trường hội nhập và dựa vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Tác giả:
Đỗ Hoài Nam ch.b.; Tùng Khánh g.th.
Tiến tới xây dựng bộ môn “Địa chính trị” ở Việt Nam (11/01/2011)
Tác giả bài viết nhận định, trong khi trên thế giới nhiều nước đã có các học viện nghiên cứu địa chính trị, mà viện địa chính trị lâu đời nhất có lẽ là Viện Địa chính trị Munchen (Đức), do Tướng Karl Haushofer thành lập năm 1922, thì ở Việt Nam, địa chính trị chưa trở thành một ngành nghiên cứu độc lập, vì thế, trong hệ thống các viện nghiên cứu chúng ta chưa có viện địa chính trị. Trong hệ thống giáo dục, địa chính trị cũng chưa trở thành một bộ môn độc lập trong các trường đại học. Đã đến lúc Việt Nam cần có một chủ trương chính thức cho việc xây dựng và phát triển bộ môn khoa học địa chính trị cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn giảng dạy. Việc thành lập bộ môn khoa học này sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và giúp đề ra các chính sách phát triển quốc gia có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng vật chất và tinh thần của đất nước.
Tác giả:
Nguyễn Văn Dân
F. Engels - nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (11/01/2011)
Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo khoa học quốc gia “F. Engels - nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” với 7 phần nội dung: Một là F. Engels - tuổi trẻ của một thiên tài. Hai là nhân cách cao thượng, tình bạn thủy chung của F. Engels. Ba là F. Engels - người đã góp phần làm cho triết học trở thành “chủ nghĩa duy vật hoàn bị”, thành “công cụ nhận thức vĩ đại”. Bốn là cống hiến của F. Engels trong học thuyết giá trị thặng dư - phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Marx. Năm là cống hiến đặc sắc của F. Engels trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - phát hiện vĩ đại thứ ba của học thuyết Marx. Sáu là F. Engels bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Marx, góp phần làm cho chủ nghĩa Marx trở thành bất diệt. Và bảy là ý nghĩa và những giá trị các luận điểm của F. Engels đối với cách mạng Việt Nam.
Tác giả:
Vũ Thị Xuân Mai t.th.
Thực trạng điều chỉnh chính sách pháp luật Việt Nam về quyền con người và quyền công dân (11/01/2011)
Để chứng minh nhận định: “Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã ghi nhận đầy đủ các quyền con người (điều 2 và điều 50). Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt qua các chương, mục của Hiến pháp và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến các quyền con người. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật của Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể”, tác giả bài viết đã đi sâu phân tích thực trạng điều chỉnh chính sách pháp luật Việt Nam về quyền con người trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin, quyền tự do lập hội, hội họp hòa bình, quyền được bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước, quyền làm việc và được hưởng những điều kiện làm việc thích đáng, quyền học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo trợ xã hội, quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em, quyền của người sống chung với HIV/AIDS, quyền của người khuyết tật và quyền của người thiểu số.
Tác giả:
Nguyễn Thị Báo
Một số vấn đề về xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay (11/01/2011)
Phân tích những thuận lợi và khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay, tác giả bài viết nhận định, để tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và ổn định thị trường theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; cần đảm bảo chữ tín với khách hàng; tăng cường tiếp thị, đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường; mở rộng và khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào hoạt động xuất khẩu gạo; tiến tới thành lập các tập đoàn xuất khẩu gạo lớn, có quan hệ với các tập đoàn xuất khẩu gạo của Thái Lan. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên sẽ xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tác giả:
Trần Nguyễn Mỹ Linh
Một số vấn đề về văn học nữ quyền Trung Quốc (11/01/2011)
Hình thành từ những năm 1970 và phát triển thành một dòng văn học độc lập khoảng một thập niên sau đó, với chủ thể sáng tác là nữ giới và nội dung, đề tài, chủ đề của tác phẩm miêu tả về cuộc sống nữ giới, văn học nữ quyền đã làm nên diện mạo mới cho văn đàn Trung Quốc đương đại. Bài viết đem lại cho độc giả một cái nhìn tổng quan về quá trình hình thành, phát triển của văn học nữ quyền Trung Quốc cũng như về lĩnh vực lý luận phê bình dòng văn học này.
Tác giả:
Nguyễn Thị Hiền
Con người trong quan niệm của Phật giáo và trong triết học Hiện sinh của J. P. Sartre: cái nhìn đối sánh (11/01/2011)
Cái nhìn đối sánh giữa hai khuynh hướng tư tưởng Phật giáo và triết học Hiện sinh của J. P. Sartre về con người được tác giả khái quát ở năm khía cạnh: 1- Cái nhìn bi quan về thân phận con người. 2- Năng lực tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc với đau khổ để đạt đến tự do của con người bằng những con đường khác nhau. 3- Niềm tin vào khả năng của con người trong việc sáng tạo ra chính mình và quyết định vận mệnh của mình thông qua hoạt động của chính mình. 4- Bản chất hay “cái tôi” của mỗi người là không nhất thành, bất biến. 5- Đề cao tinh thần dám chịu trách nhiệm của con người. Theo tác giả, sự tương đồng trong quan niệm của J. P. Sartre và đức Phật về con người cho thấy: bất chấp sự khác biệt về thời đại, về hoàn cảnh lịch sử xã hội, những tư tưởng lớn vẫn luôn tìm thấy mối tương giao, sự gặp gỡ nhất định trong khi giải quyết những vấn đề lớn, có tính muôn thuở của mọi thời đại - vấn đề con người.
Tác giả:
Hà Thị Thùy Dương