Tư liệu về Việt Nam - cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Việt Nam học (26/01/2013)
Bài viết giới thiệu nội dung báo cáo tổng kết của Tiểu ban 15 “Tư liệu về Việt Nam - cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Việt Nam học” được trình bày tại phiên toàn thể Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức trong các ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội. Báo cáo gồm bốn nội dung chính: 1- Về tình hình nghiên cứu Việt Nam học ở nước ngoài; 2- Tư liệu về các vấn đề văn hóa và giao lưu văn hóa; 3- Các vấn đề văn hóa xã hội qua khảo sát các tư liệu Hán Nôm, Châu bản; 4- Về các nguồn tài liệu Việt Nam học và vai trò của tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu Việt Nam học.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý, Phùng Diệu Anh
Lợi ích địa chiến lược của các cường quốc ở biển Đông (26/01/2013)
Lợi ích của các cường quốc trên thế giới tại biển Đông rất đa dạng, nhiều cấp độ, có sự khác biệt nhất định giữa họ với nhau, và vì thế, chính sách của từng nước cũng khác nhau. Nhưng giữa các cường quốc vẫn có những lợi ích chung tạo nên tiếng nói chung trong kiến tạo hòa bình ở biển Đông. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xem xét vấn đề tranh chấp biển Đông dưới góc nhìn lợi ích địa chiến lược của các cường quốc có liên quan, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Tác giả:
Lương Văn Kế
An ninh dầu mỏ và chính sách của Trung Quốc (26/01/2013)
Kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978, mức độ tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tình trạng thiếu hụt năng lượng sơ cấp ở quốc gia này đã diễn ra và chắc chắn đang trầm trọng thêm. Trong đó, thiếu hụt dầu mỏ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc và khu vực. Bài viết phân tích những thách thức chủ yếu đối với việc đảm bảo an ninh dầu mỏ của Trung Quốc, và giới thiệu các chính sách nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt dầu mỏ mà quốc gia này đã thực hiện trong thời gian qua.
Tác giả:
Phạm Sỹ Thành
Quan điểm của P. Bourdieu về giai cấp và việc vận dụng trong nghiên cứu về di động xã hội ở Việt Nam hiện nay (26/01/2013)
Xuất phát từ nhận định cho rằng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, khi các tầng lớp xã hội đang dần ổn định, thì việc vận dụng quan điểm của P. Bourdieu về giai cấp và quá trình thiết lập giai cấp sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn quý báu để thấy rõ những quá trình trong đó những ưu thế và bất lợi xã hội được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác khi nói đến sự di động xã hội, đặc biệt trong các nghiên cứu về di động xã hội liên thế hệ, bài viết trình bày hai phần nội dung chính: 1- Quan điểm của P. Bourdieu về giai cấp; và 2- Vận dụng quan điểm của P. Bourdieu trong nghiên cứu di động xã hội ở Việt Nam.
Tác giả:
Nguyễn Hoàng Quyên
Cần thống nhất trong đánh giá về tư tưởng F. W. Nietzsche (26/01/2013)
Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900) là nhà tư tưởng Đức lừng danh trên nhiều phương diện. Về mặt triết học, ông được tôn vinh là ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh vô thần, người đã khai sinh ra khái niệm siêu nhân đầy tranh cãi trong triết học, nhưng lại là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho văn học và điện ảnh; về thi ca, ông chỉ đứng sau Goeth; về văn học, ông đã tạo ra sự bất phân giữa văn và triết vô cùng tinh tế, trở thành sự châm ngòi cho phong cách J. P. Sartre (1905-1980), F. Sagan (1935-2004)… Tuy vậy, khi đánh giá về triết học Nietzsche, người ta thường rơi vào hai thái cực, hoặc ca ngợi tư tưởng của ông lên tận mây xanh, hoặc gạt bỏ hoàn toàn. Với bài viết này, các tác giả muốn góp một tiếng nói chung để cùng đi đến sự thống nhất bước đầu về một tâm hồn Đức đầy tài năng nhưng bạc mệnh về phương diện học thuật.
Tác giả:
Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình
Về tình yêu quê hương, đất nước qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam (26/01/2013)
Tác giả bài viết trình bày khái quát những điểm nổi bật thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam: 1- Tự hào về đất nước, quê hương giàu đẹp; 2- Tự hào về văn hóa và lịch sử dân tộc; 3- Yêu thương những người lao động cần mẫn, giữ gìn nghề truyền thống; 4- Thương nhớ quê hương; 5- Căm thù bè lũ xâm lược, phản quốc và ý chí quyết tâm xây dựng, bảo vệ đất nước.
Tác giả:
Lê Huy Thực
Chính sách xã hội ở các nước Mỹ Latinh đầu thế kỷ XXI: kế thừa và đổi mới (26/01/2013)
Bài viết xem xét những thay đổi trong vai trò của nhà nước đối với các lĩnh vực xã hội đầu thế kỷ XXI ở khu vực Mỹ Latinh, hướng tiếp cận mới cho việc giải quyết các vấn đề xã hội; đồng thời phân tích nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết đồng bộ vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng xã hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố dân số trong thực hiện chính sách xã hội.
Tác giả:
E. E. Kuznesova: Phạm Nguyễn d.