Chính sách hướng Đông của các quốc gia Trung Đông: Nhìn từ trường hợp Israel (28/12/2018)

Cục diện chính trị khu vực Trung Đông thay đổi cùng với sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt của các nước lớn xuất hiện tại đây đã khiến nhiều nước Trung Đông, nhất là những nước đồng minh và thân cận của Mỹ, chẳng hạn như Israel, tích cực triển khai chính sách đối ngoại hướng sang châu Á (hay còn gọi là hướng Đông). Bản chất và các mục tiêu của Chính sách hướng Đông là gì, Việt Nam nên có thái độ và hướng tiếp cận với chính sách hướng Đông của Israel như thế nào là những nội dung cơ bản được đề cập đến trong bài viết.
Tác giả: Nguyễn Thanh Hiền

Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam hiện nay (28/12/2018)

Trên cơ sở phân tích thực trạng pháp luật hiện hành về phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam hiện nay, bài viết đưa ra quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.
Tác giả: Bùi Đức Hiển, Vũ Hoàng Dương

Chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo: Hướng tới sự gắn kết giữa Phật giáo và công tác xã hội ở Việt Nam (28/12/2018)

Sự phát triển của hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo ở Việt Nam đã khiến một số nhà nghiên cứu nhận thấy tiềm năng kết nối hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo với công tác xã hội. Với mục tiêu nhằm tìm ra giải pháp chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện của Phật giáo Việt Nam, qua phân tích các dữ liệu thứ cấp về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo, bài viết tập trung vào các nội dung sau: i) đánh giá quá trình phát triển các lĩnh vực từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam; ii) phân tích sự cần thiết và khả năng chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam; và iii) phương hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo gắn với công tác xã hội Việt Nam.
Tác giả: Hoàng Thu Hương

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe của tộc người Cống và Si La ở tỉnh Lai Châu hiện nay (28/12/2018)

Ở Việt Nam, người Cống và Si La là hai tộc người thiểu số có dân số ít nhất cả nước, sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Do phong tục tập quán và địa hình cư trú xa trung tâm nên việc chăm sóc sức khỏe của hai tộc người này gặp nhiều khó khăn, vì vậy, chất lượng dinh dưỡng không được tốt như các tộc người ở vùng khác trong tỉnh. Vốn sinh sống biệt lập, lại ở khu vực giao thông cách trở nên việc tiếp cận dịch vụ y tế, tìm kiếm y bác sĩ để chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe của hai tộc người Cống và Si La là vấn đề đang đặt ra. Dựa trên khảo sát thực địa tại hai xã Nậm Khao, Kan Hồ của huyện Mường Tè, và xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, bài viết chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe hiện nay đối với hai tộc người này.
Tác giả: Lê Thị Mùi

Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập quốc tế (28/12/2018)

Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, do đây không chỉ là địa bàn có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và duyên hải miền Trung Việt Nam, mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Xây dựng chính sách tổng thể cho Tây Nguyên với nhiều nội dung, giải quyết nhiều mục tiêu nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng khác, nâng cao đời sống người dân nhưng vẫn giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là nhiệm vụ đặt ra thường xuyên trên bàn nghị sự những người quản lý, nhà hoạch định chính sách. Bài viết làm rõ một số thành tựu trong bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên thời gian qua; những thách thức đặt ra hiện nay và một số đề xuất trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong thời gian tiếp theo.
Tác giả: Trần Minh Đức

Sự tham gia của người dân vào cộng đồng làng, xã nông thôn giai đoạn 1976-1986 (28/12/2018)

Sử dụng phương pháp xã hội học, bài viết phân tích tỷ lệ và mức độ tham gia của người dân và phụ nữ trong ba hoạt động cộng đồng (giai đoạn 1976-1986): đoàn thể cộng đồng, hợp tác xã và văn hóa, văn nghệ cộng đồng. Theo kết quả nghiên cứu, nhìn chung, mức độ tham gia cộng đồng giai đoạn này ở mức độ thấp và có nguyên nhân từ sự quản lý của tổ chức, sự quan tâm và hiểu biết của người dân đối với hoạt động cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh truyền thông khoa học và công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học/cao đẳng và doanh nghiệp (28/12/2018)

Hiện nay, một trong những giá trị tạo nên lợi nhuận của doanh nghiệp là nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ, ứng dụng các sáng chế/kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Trong bối cảnh đó, truyền thông khoa học và công nghệ là kênh kết nối cung - cầu công nghệ giữa nhà nước - viện nghiên cứu - trường đại học/cao đẳng và doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp với nhau và truyền thông xã hội, truyền thông tới công chúng. Bài viết đánh giá thực trạng và gợi mở giải pháp để thúc đẩy hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học/cao đẳng và doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tác giả: Trần Quang Tuấn, Nguyễn Thị Hạnh