Về chủ nghĩa tư bản hiện nay: Diện mạo, đặc trưng và giải pháp thích ứng của Việt Nam (31/05/2024)
Chủ nghĩa tư bản hiện nay là một thực thể chính trị - xã hội có tầm ảnh hưởng ở phạm vi thế giới, mà nhìn từ góc độ nào người ta cũng thấy nó đa dạng, phức tạp, không dễ nhận diện, đánh giá đến tường tận. Bài viết phân tích và chứng minh, tuy vậy, chủ nghĩa tư bản hiện nay vẫn là một hình thái kinh tế - xã hội mà trong đó phương thức sản xuất chủ đạo có lực lượng sản xuất ở trình độ xã hội hóa cao, có quan hệ sản xuất ở trình độ tiên tiến. Về các đặc trưng, bài viết nhận định, hệ thống tư bản chủ nghĩa ngày nay vẫn được xác định bởi những đặc trưng chủ yếu là: (i) cạnh tranh; (ii) sở hữu tư nhân; (iii) lợi nhuận; (iv) sự can thiệp ít hơn của chính phủ.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Xây dựng xã hội 5.0 của Nhật Bản: Thành tựu và một số vấn đề đặt ra (31/05/2024)
Đối mặt với một số thách thức kinh tế - xã hội do tình trạng già hóa dân số và nguy cơ thiên tai ngày càng gia tăng với những tác động mạnh hơn, từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác với khu vực tư nhân xây dựng một chiến lược toàn diện mới mang tên “Xã hội 5.0”. Chiến lược này dựa trên cơ sở tận dụng những thành quả của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và xã hội 4.0 để hình thành một xã hội mới siêu thông minh. Trải qua 7 năm triển khai, mô hình “Xã hội 5.0” của Nhật Bản đã và đang có những bước đi đón đầu xu hướng toàn cầu mới. Bài viết tìm hiểu quá trình xây dựng xã hội 5.0 và những thành tựu đạt được trong 7 năm xây dựng xã hội 5.0 của Nhật Bản, từ đó chỉ ra một số vấn đề mà Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết trong quá trình xây dựng xã hội 5.0.
Tác giả:
Nguyễn Thị Châu
Ảnh hưởng của các nguồn vốn tới sinh kế của người Thái tái định cư Thủy điện Bản Vẽ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (31/05/2024)
Người Thái tái định cư Thủy điện Bản Vẽ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã sinh sống ở đây được khoảng 15 năm (2009-2024). Theo nhận xét của đa số người dân, cơ sở hạ tầng và cuộc sống hiện nay của họ đã tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh Nghệ An thì vẫn đang ở mức trung bình, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: một số hộ gia đình vẫn chưa được cấp đủ đất để sản xuất, thời tiết khí hậu cực đoan ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng… Bài viết sử dụng lý thuyết sinh kế bền vững của Vụ Phát triển quốc tế Anh (DFID) với 5 nguồn vốn (con người, tự nhiên, tài chính, xã hội, vật chất) nhằm đánh giá hoạt động sinh kế và cuộc sống hiện nay của người Thái tái định cư trên địa bàn xã Thanh Sơn.
Tác giả:
Phạm Quang Linh, Nguyễn Ngọc Thanh
Một số ý kiến về các chế độ bảo hiểm xã hội trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (31/05/2024)
Hiện tại, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang trong quá trình Dự thảo và lấy ý kiến nhân dân, trong đó có các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bài viết góp ý về các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (ngày 09/10/2023) ở những điểm còn chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thêm các chế độ trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.
Tác giả:
Lê Thị Hoài Thu
Tính chính trị của truyền thống từ các nghiên cứu (31/05/2024)
Bài viết tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về tính chính trị của truyền thống. Tính chính trị của truyền thống là một vấn đề nghiên cứu thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới - những người quan tâm đến việc tìm hiểu một cách cụ thể quá trình trở thành “truyền thống” của các thực hành văn hóa. Đây cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước vì gợi mở khả năng đem lại thêm những nhận thức về sự vận động của đời sống văn hóa của Việt Nam cũng như những đóng góp về mặt lý luận trong việc phân tích các thực hành văn hóa trong bối cảnh đương đại.
Tác giả:
Nguyễn Giáo
Các tuyến giao thông vận tải đường thủy ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 1802-1884 (31/05/2024)
Đầu thế kỷ XIX, vương triều Nguyễn được thành lập, đánh dấu sự thống nhất trọn vẹn của lãnh thổ, lãnh hải quốc gia và sự thống nhất về chủ thể quản lý. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho giao thông vận tải cả nước nói chung, giao thông vận tải ở tỉnh Phú Yên nói riêng được thông suốt, mở rộng và có bước phát triển. Thông qua việc khảo cứu các nguồn tư liệu đã công bố, bài viết tập trung tìm hiểu về các tuyến giao thông vận tải bằng đường thủy ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 1802-1884 đóng vai trò quan trọng là con đường huyết mạch, kết nối giao thông và thương mại của địa phương cũng như cả nước, qua đó rút ra một số nhận xét bước đầu về giao thông vận tải đường thủy ở tỉnh Phú Yên thời kỳ này.
Tác giả:
Đinh Thị Thảo, Tạ Thị Thủy, Nguyễn Kim Vy
Quá trình hình thành và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam (31/05/2024)
Văn học thiếu nhi là mảng văn học có lịch sử phát triển non trẻ nhất trong dòng chảy văn học Việt Nam. Dẫu vậy, với gần một thế kỷ hình thành, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có được một phong trào sáng tác và lực lượng tác giả, tác phẩm xứng tầm. Dựa trên việc tổng hợp các tài liệu về chủ đề văn học thiếu nhi Việt Nam, bài viết tiến hành khái quát lại các chặng đường phát triển của văn học thiếu nhi trong suốt mấy chục năm qua để đem đến cho người đọc cái nhìn toàn cảnh cụ thể về quá trình hình thành và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Tác giả:
Nguyễn Thị Tâm