Bàn về mô hình vận động của triết lý giáo dục (30/12/2020)
Trên cơ sở quan niệm của tác giả về triết lý giáo dục (TLGD) và các mô hình vận động TLGD của Hồ Ngọc Đại và Vũ Cao Đàm, bài viết giới thiệu mô hình vận động TLGD tổng hợp được xây dựng trên cơ sở lý luận về loại hình văn hóa. Mô hình này có thể đọc theo nhiều chiều kích khác nhau nên cũng có thể được gọi là mô hình vận động TLGD đa chiều kích. Mô hình được kiểm chứng bằng việc phân tích các dữ liệu thực tế điển hình của các nền giáo dục phương Tây, Đông Bắc Á và Đông Nam Á, qua đó cho thấy năng lực giải thích của cách tiếp cận liên ngành triết học - văn hóa học - giáo dục học và tiềm năng, triển vọng của nó.
Tác giả:
Trần Ngọc Thêm
Tổ chức xã hội trong quản trị công: Cơ sở lý luận và con đường (30/12/2020)
Gần đây, thuật ngữ “quản trị công”, “quản trị quốc gia” dần được sử dụng ở Việt Nam. Nói đến quản trị công không thể không nói đến vai trò của tổ chức xã hội (TCXH) (hay khu vực thứ ba). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu vắng các nghiên cứu mang tính cơ sở lý luận cũng như con đường phát huy vai trò của TCXH trong quản trị công. Bài viết tập trung phân tích cơ sở lý luận về vai trò của TCXH trong quản trị công, đồng thời chỉ ra có ba con đường để phát huy vai trò của xã hội và TCXH trong quản trị công. Đó là hợp tác giữa nhà nước và xã hội, sự tham gia của xã hội, và tự quản xã hội.
Tác giả:
Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Trọng Bình
Nghiên cứu xã hội hóa về giới ở trẻ em trong gia đình và một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay (30/12/2020)
Gia đình là thiết chế xã hội cơ bản, là môi trường xã hội hóa đầu tiên và suốt đời của con người. Có rất nhiều điều tạo nên bản sắc, đặc điểm riêng của mỗi cá nhân được hình thành nên từ quá trình học hỏi ngay trong gia đình, và bản sắc giới của mỗi cá nhân chính là một trong những điều đó. Cá nhân học hỏi cách đóng các vai trò giới từ quá trình giáo dục của người lớn trong gia đình, từ cách bắt chước các khuôn mẫu giới đang tồn tại trong gia đình. Thông qua quá trình xã hội hóa về giới trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ, trẻ học cách trở thành người đàn ông hay người phụ nữ trong tương lai. Bài viết tổng quan một số phát hiện của các nghiên cứu đã có với chủ đề xã hội hóa về giới ở trẻ em trong gia đình, trên cơ sở đó thảo luận một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về chủ đề nghiên cứu này trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Hữu Minh
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thông tin trên mạng xã hội: Một số gợi mở cho Việt Nam (30/12/2020)
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ và các nước thuộc khu vực châu Âu đã và đang thực hiện các chiến lược quản lý thông tin trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn các thông tin sai lệch, giả mạo hay các thông tin có tính chất thù hận, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của người sử dụng cũng như lợi ích quốc gia. Thực tế này là những kinh nghiệm để Việt Nam có thể xây dựng các chính sách hay áp dụng vào các hoạt động thực tiễn của mình.
Tác giả:
Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Tuấn Minh
Tổng quan về tư liệu tộc ước trên thư tịch tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (30/12/2020)
Với mục tiêu nghiên cứu khối tư liệu tộc ước trên thư tịch hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tác giả tiến hành thống kê danh mục văn bản tộc ước đang nằm rải rác trong các tư liệu khác (chủ yếu là gia phả); phân tích và tổng kết các đặc điểm về dung lượng và tên gọi của các văn bản tộc ước này; dùng phương pháp văn bản học để xác định niên đại văn bản, đồng thời vận dụng kiến thức của địa danh học lịch sử để xác định đặc điểm phân bố của các dòng họ có văn bản tộc ước; từ đó đưa ra kết luận về dung lượng, tên gọi, đặc điểm phân bố trên không gian địa lý và thời gian lịch sử của các văn bản tộc ước trong kho tư liệu này.
Tác giả:
Mai Thu Quỳnh
Vai trò của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang (30/12/2020)
Thực hiện chủ trương chiến lược “lấy văn hóa truyền thống làm động lực phát triển du lịch và thúc đẩy du lịch để bảo tồn văn hóa”, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã khá thành công khi đưa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vào mô hình du lịch cộng đồng phục vụ du khách. Để có được kết quả đó không thể không bàn đến vai trò của các nghệ nhân dân gian và người có uy tín của tỉnh. Bài viết phân tích vai trò của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín trên các khía cạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, tăng cường khối đại đoàn kết, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trong cộng đồng và tham gia phát triển kinh tế ở địa phương...; từ đó đề xuất một số giải pháp phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Thị Tám, Khổng Thị Kim Anh
Một số vấn đề chủ yếu ảnh hưởng đến phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (30/12/2020)
Với những lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi, vùng Tây Nam bộ (TNB) có thế mạnh trong phát triển thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác nước thượng nguồn sông Mekong và một phần hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân nơi đây đã và đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của vùng TNB. Bài viết nhận diện một số vấn đề chủ yếu ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng TNB gồm nguồn nước, đất đai, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải và thể chế. Các vấn đề này có nguyên nhân đan xen từ bên trong cũng như bên ngoài, do cả yếu tố tự nhiên cũng như yếu tố con người. Đây là bước đầu quan trọng góp phần thiết kế chính sách hướng đến phát triển bền vững một cách hợp lý, khả thi đối với vùng TNB.
Tác giả:
Nguyễn Quang Thuấn