Vấn đề kế hoạch hóa ngôn ngữ (23/12/2021)

Cùng với chính sách ngôn ngữ (language policy), kế hoạch hóa ngôn ngữ (language planning) là một trong hai nội dung quan trọng nhất của ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (macro sociolinguistics), có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề về quản lý ngôn ngữ. Ngôn ngữ là của riêng con người, theo đó, con người không chỉ biết sử dụng ngôn ngữ mà còn tác động tích cực vào ngôn ngữ để ngôn ngữ có thể phục vụ tốt nhất mục đích giao tiếp của con người. Với ba nội dung cơ bản là kế hoạch hóa địa vị ngôn ngữ (language status planning), kế hoạch hóa bản thể ngôn ngữ (language corpus planning) và kế hoạch hóa uy tín ngôn ngữ (language prestige planning), kế hoạch hóa ngôn ngữ được tiến hành như thế nào ở các cộng đồng giao tiếp (community of speech) còn tùy thuộc vào hàng loạt các nhân tố, trong đó nổi lên là: cảnh huống ngôn ngữ (language situation), thái độ ngôn ngữ (language attitude), mối quan hệ giữa kế hoạch hóa ngôn ngữ với chính sách ngôn ngữ.
Tác giả: Nguyễn Văn Khang

Đại chiến lược của Hoa Kỳ và vị trí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (23/12/2021)

Đại chiến lược hay chiến lược toàn cầu luôn thể hiện các mục tiêu bao trùm của Hoa Kỳ về kinh tế, chính trị và an ninh - quân sự. Nó cũng xác định các mối đe dọa cao nhất đối với an ninh quốc gia, đồng thời đề ra các biện pháp để đối phó. Mục tiêu nổi bật, bao trùm nhất và ít thay đổi trong nhiều thập niên qua trong đại chiến lược chính là mục tiêu duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu. Bài viết xem xét và làm sáng rõ đại chiến lược của Hoa Kỳ và vị trí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đại chiến lược, đặc biệt là các đại chiến lược sau Chiến tranh Lạnh.
Tác giả: Phạm Cao Cường

Hệ thống thông tin đất đai: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (23/12/2021)

Hệ thống thông tin đất đai (LIS) là một giải pháp kỹ thuật nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai theo xu hướng tin học hóa, là công cụ quan trọng trong quản lý tài chính đất đai. Hệ thống thông tin đất đai sẽ được tích hợp với dữ liệu của nhiều ngành khác, hướng đến hệ thống dữ liệu đa mục tiêu nhằm phục vụ việc hình thành Chính phủ điện tử. Bài viết phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia với đặc điểm về sở hữu đất đai có nhiều nét tương đồng với Việt Nam (Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc), từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống thông tin đất đai thống nhất nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài chính đất đai của quốc gia.
Tác giả: Trần Đình Nuôi, Nguyễn Phương Thảo

Chính sách giáo dục ứng phó trong bối cảnh dịch Covid-19: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam (23/12/2021)

Việc đóng cửa trường học trên thế giới trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 đã làm gia tăng nguy cơ mất kỹ năng học tập, kiến thức của học sinh và bất bình đẳng giáo dục. Đối diện với khủng hoảng trong giáo dục do dịch Covid-19, chính phủ nhiều quốc gia đã có những chính sách ứng phó đối với vấn đề này. Nghiên cứu về chính sách giáo dục ứng phó với dịch Covid-19 đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới, song đây là chủ đề nghiên cứu mới ở Việt Nam. Bài viết tập trung tổng quan các chính sách giáo dục của một số quốc gia châu Âu và châu Á trong bối cảnh dịch Covid-19 và phân tích sự ứng phó của ngành giáo dục Việt Nam từ tháng 01/2020 - 8/2021, trên cơ sở đó, bàn luận về bài học kinh nghiệm của các quốc gia này và chia sẻ một số gợi ý về chính sách giáo dục cho Việt Nam trong điều kiện diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp và khó dự báo.
Tác giả: Hoàng Thu Hương

Vai trò của nhà trường trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh ở Việt Nam (23/12/2021)

Chăm sóc sức khỏe tâm thần lứa tuổi học sinh là một vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Các nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy sức khỏe tâm thần của học sinh ở Việt Nam có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Nhà trường (bên cạnh gia đình và xã hội) có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, do đó cần quan tâm tới vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh. Các vấn đề tâm lý, những khó khăn trong cuộc sống của học sinh phải được phát hiện, tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời, tránh dẫn đến hành vi xấu, gây hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Đồng thời, nhà trường cũng cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm cho học sinh. Bài viết tổng quan về thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh ở Việt Nam và các biện pháp đã và đang được các nhà trường triển khai trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Tác giả: Lương Thị Thu Trang, Lại Thị Thanh Bình

Việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của sinh viên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19: Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội (23/12/2021)

Sự xuất hiện của virus Corona (Covid-19) trong hai năm gần đây đã làm thay đổi nhiều chiều cạnh trong cuộc sống của mỗi cá nhân, bao gồm cả việc sử dụng thời gian. Lượng thời gian nhàn rỗi và cách thức sử dụng thời gian này ở mỗi người là khác nhau và đem lại những hiệu quả không giống nhau. Đối với sinh viên, giãn cách xã hội đã làm gia tăng đáng kể thời gian nhàn rỗi cũng như ảnh hưởng ít nhiều đến các hoạt động của họ. Bài viết tìm hiểu cách thức sinh viên sử dụng thời gian nhàn rỗi và nhận định của họ về ý nghĩa của khoảng thời gian này trước và trong đại dịch Covid-19.
Tác giả: Đào Thúy Hằng

Về các nhà khoa học Việt Nam từng là thành viên của Học viện Viễn Đông Bác cổ (23/12/2021)

Học viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient - EFEO, 1898- 1957) là cơ quan đầu tiên nghiên cứu văn hóa và khoa học nhân văn trên thực địa vùng Viễn Đông, trong đó có ba nước Đông Dương. Trong 60 năm đặt trụ sở tại Việt Nam, bên cạnh những học giả người Pháp tinh thông Hán tự và Việt ngữ, đã được đào tạo bài bản, chính quy ở các trường đại học và các viện khoa học lớn ở Paris, EFEO còn có những nhân viên khoa học người Việt có vốn tri thức uyên bác và khả năng nghiên cứu ưu việt, có thể nói đó là những nhà Việt Nam học người Việt đầu tiên. Mặc dù tên tuổi của họ không phải đã được ghi danh trong tất cả các xuất bản phẩm của EFEO, bởi họ chỉ giữ những chức vụ khiêm tốn theo quy chế nhân sự của EFEO, nhưng nhiều người trong số họ đã được giới trí thức của Pháp và Việt Nam đương thời và sau này nể trọng. Bài viết giới thiệu về một số nhà khoa học Việt Nam đã từng làm việc tại EFEO trong giai đoạn đặt trụ sở tại Hà Nội.
Tác giả: Ngô Thế Long