Cơ sở dữ liệu và dữ liệu lớn - giá trị cốt lõi trong phát triển kinh tế (28/12/2022)

Trong quá trình chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, cơ sở dữ liệu mà ngày nay phát triển thành dữ liệu lớn đóng vai trò là một trong những yếu tố quyết định, mang lại thành công. Bài viết phân tích vai trò của cơ sở dữ liệu và dữ liệu lớn trong phát triển kinh tế số nhìn từ góc độ vĩ mô và vi mô, đồng thời tổng hợp kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc trong xây dựng, quản trị và vận hành kinh tế số dựa trên cơ sở dữ liệu và dữ liệu lớn, từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số.
Tác giả: Vũ Hùng Cường, Nguyễn Lê Phương Hoài

Kết quả thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam (28/12/2022)

Chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, chú trọng với ba nguyên tắc “bình đẳng”, “đoàn kết”, “tương trợ”. Ngoài chính sách chung cho 53 dân tộc thiểu số, từ năm 2010 đến nay, hệ thống chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người đã từng bước được xây dựng, bao phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tộc người. Bài viết hệ thống hóa một số chính sách, chương trình, đề án của Chính phủ, đồng thời đánh giá kết quả và hạn chế của quá trình thực hiện các chính sách trên một số lĩnh vực tại vùng dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh

Về tín ngưỡng truyền thống của người Hmông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (nghiên cứu tại ba xã Xín Cái, Sủng Trà và Thượng Phùng) (28/12/2022)

Từ xưa đến nay, người Hmông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vẫn duy trì các cách thức thực hành tôn giáo theo tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng các vị thần, tổ tiên và các loại ma. Tuy nhiên, sau những năm 1980, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới. Bên cạnh việc duy trì các loại hình tín ngưỡng truyền thống, một bộ phận người Hmông đã thay đổi đức tin theo các hiện tượng tôn giáo mới này (chủ yếu là đạo Tin Lành và San sư khẹ tọ). Bài viết làm rõ thực trạng biến đổi tín ngưỡng truyền thống của người Hmông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (qua nghiên cứu tại ba xã Xín Cái, Sủng Trà và Thượng Phùng) và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi này.
Tác giả: Trịnh Thị Lan

“Jante” và ảnh hưởng của nó trong đời sống văn hóa các nước thuộc khu vực Bắc Âu (28/12/2022)

Bắc Âu là khu vực thành công trên nhiều chỉ số của thế giới, đồng thời là một cộng đồng có sự gắn kết mạnh mẽ, vốn xã hội và lòng tin cao. Lối sống đặc trưng của vùng Bắc Âu là sự giản dị, đề cao tập thể, không khuyến khích thể hiện sự ưu trội cá nhân hay chủ nghĩa tinh hoa. Từ góc độ lịch sử truyền thống, lối sống, văn hóa Bắc Âu là sự kết tinh, hun đúc của nhiều yếu tố, trong đó có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của “Jante”. Bài viết phân tích sự hình thành và ảnh hưởng của “Jante” trong đời sống văn hóa các nước Bắc Âu, qua đó rút ra một số ý nghĩa từ quá trình nghiên cứu.
Tác giả: Hồ Thị Nhâm

Lễ vật Sla-tho trong các nghi lễ của người Khmer Nam bộ qua góc nhìn ký hiệu văn hóa (28/12/2022)

Văn hóa Khmer Nam bộ đặc trưng bởi các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính ký hiệu, biểu tượng đa dạng trong các sinh hoạt văn hóa tộc người Khmer. Nếu như chúng ta đã rất quen thuộc với các biểu tượng gắn liền với công trình kiến trúc chùa chiền Phật giáo Nam Tông Khmer như Neak (Naga), Krud, Keyno… thì những thành tố hệ thống lễ vật trong các nghi lễ truyền thống dân tộc, nghi lễ tín ngưỡng hay nghi lễ tôn giáo dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và giải mã. Từ góc nhìn ký hiệu văn hóa, bài viết nghiên cứu lễ vật Sla-tho của người Khmer ở các khía cạnh nguồn gốc, tên gọi, các dạng thức, thông qua đó tiếp cận và diễn giải ý nghĩa biểu đạt của những ký hiệu văn hóa này, đồng thời góp phần làm rõ quan niệm, tư duy sáng tạo, tư duy thẩm mỹ trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội tộc người Khmer ở Nam bộ nói chung và trong phạm vi giới hạn của bài viết này là người Khmer ở tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Tác giả: Thạch Thị Rọ Mu Ni

Hệ thống nguyên âm tiếng Bhnong qua một số thổ ngữ (28/12/2022)

Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về các nguyên âm của tiếng Bhnong qua một số thổ ngữ ở 5 plây thuộc các xã của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Kết quả cho thấy tiếng Bhnong ở plây Kađhot Mâng hiện nay có 18 nguyên âm, trong đó có 12 nguyên âm đơn và 6 nguyên âm đôi. Bài viết cũng đưa ra các bối cảnh ngữ âm đồng nhất tiếng Bhnong chứng minh sự tồn tại của các nguyên âm. Một số nguyên âm có biến thể căng và chùng khi kết hợp với một số âm cuối, ngoài ra còn có các biến thể phát âm ở các plây khác. Đặc biệt trong tiếng Bhnong ở plây Kanâng, các nguyên âm được phát âm với cao độ cao hơn hẳn so với tiếng Bhnong ở các plây khác. Đây là những phát hiện mới về tiếng Bhnong nói chung và về các nguyên âm tiếng Bhnong nói riêng.
Tác giả: Bùi Đăng Bình

Đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam: cần những cách tiếp cận mới (28/12/2022)

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay đang làm chậm lại và giảm hiệu quả của quá trình này ở nhiều địa phương; từ đó ảnh hưởng chung đến kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở quy mô quốc gia. Bài viết đề xuất một số hướng tiếp cận mới, nhằm đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả của quá trình này trên quy mô toàn quốc.
Tác giả: Dương Đình Giám