Phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội: quan niệm, vấn đề, sự cần thiết cho Việt Nam và xác định logic nghiên cứu (30/09/2008)

Tác giả trình bày quan niệm về phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội qua hệ thống các tài liệu khoa học và quan sát thực tiễn quản lý; đề cập đến bảy vấn đề đặt ra trong việc quản lý sự phát triển xã hội, trong đó có: tính đa nghĩa và nhiều cấp độ biểu hiện của phạm trù xã hội, tính liên kết chỉnh thể trong quan niệm phát triển xã hội, phát triển bền vững, vai trò của người lãnh đạo, của nhân dân, của các tổ chức xã hội dân sự tham gia phát triển xã hội, v.v…; đồng thời phân tích một số xuất phát điểm để khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu vấn đề phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam.
Tác giả: Hoàng Chí Bảo

Công nghiệp hỗ trợ - vấn đề cơ bản của nội địa hoá (30/09/2008)

Trong phát triển công nghiệp, nội địa hoá là nhân tố mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người cung cấp phụ tùng, phụ kiện. Với linh kiện trong nước làm ra, nhà lắp ráp giảm được chi phí sản xuất, còn nhà cung ứng lại có cơ hội mở rộng kinh doanh, tiếp thu công nghệ mới. Tại nhiều nước đang phát triển, nội địa hoá được coi là chìa khoá tăng trưởng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lại vấp phải nhiều khó khăn do tỷ lệ nội địa hoá thấp và ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được mở mang. Từ thực trạng đó, bài viết đề cập đến một số khía cạnh của công nghiệp hỗ trợ để cùng trao đổi.
Tác giả: Lê Thành Ý

Cây biến đổi gien có thể nuôi sống Thế giới thứ ba hay không? (30/09/2008)

Những cây biến đổi gien được sáng tạo ra không phải để phục vụ người nông dân nghèo không có khả năng thanh toán của Thế giới thứ ba, và như vậy nó không có khả năng giải quyết vấn đề nạn đói và suy dinh dưỡng. Lý do mà các tác giả đưa ra là: thứ nhất, tiền lệ cuộc “Cách mạng xanh” đã không giải quyết được vấn đề; thứ hai, những cây biến đổi gien đang được sử dụng trên quy mô lớn hiện nay đã không được tạo ra cho tầng lớp nông dân nghèo ở Thế giới thứ ba vốn đã bị loại ra khỏi cuộc “Cách mạng xanh”.
Tác giả: Valentine Beauval, Marc Dufumier; Đỗ Tiến Đạt l.th.

Sự đụng độ văn hoá vẫn tiếp tục (30/09/2008)

Bài trả lời phỏng vấn của Samuel Huntington với New Perspective Quaterly xoay quanh những quan điểm của Huntington về sự đụng độ giữa các nền văn minh, về xuất phát điểm của chính trị toàn cầu ngày nay là những cuộc xung đột đã bám sâu giữa các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, về sự phân biệt giữa phương Tây và Hồi giáo, về sự chuyển đổi nền văn minh ở Mỹ tập trung vào chủ nghĩa tự do dân chủ với tính cách là một hệ tư tưởng, về văn minh Hồi giáo, chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng cực đoan, ảnh hưởng của nó tới chính trị toàn cầu, v.v…
Tác giả: Samuel Huntington; Duy Minh d.

Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay (30/09/2008)

Nội dung cuốn sách được kết cấu thành bốn phần (16 chương): phần I dành để xác định các khái niệm văn hoá, văn minh; phần II đi tìm diện mạo và thực chất các nền văn minh phương Tây, Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi giáo, sông Hồng và nền văn minh Xã hội chủ nghĩa; phần III phân tích mối quan hệ giữa các nền văn minh; và phần IV trình bày những lập luận, phân tích mang tính tranh luận với học thuyết “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington.
Tác giả: Nguyễn Chí Tình; Vương Tâm l.th.

Âm vị học và tuyến tính: dẫn luận (30/09/2008)

Âm vị học có đủ trong tay những chủ bài để tự cải thiện một cách triệt để. Những chủ bài đó đã có sẵn trong bản chất của âm vị học, vì nó được chứa đựng trong nguyên lý cơ bản của quan điểm âm vị học, nguyên lý của tính quan yếu ngôn ngữ học, một nguyên lý mà những trường hợp vi phạm xảy ra khá nhiều và nhiều khi thành hệ thống sở dĩ có được chỉ là vì nó không có tính tự giác.
Tác giả: Cao Xuân Hạo