Linh hồn sống của văn hóa để phát triển bền vững (29/03/2012)

Đất nước sẽ không có sự phát triển và nhất là phát triển bền vững về tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, con người và môi trường sống trong điều kiện kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa nếu thiếu sự dẫn đường của triết học. Trong điều kiện hiện nay, cần ghi nhớ mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, vì “phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Khinh thường triết học nói chung, và triết học biện chứng duy vật nói riêng, sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, bởi vì chính triết học mới làm nên cốt lõi, mới là linh hồn sống của văn hóa theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này.
Tác giả: Nguyễn Trọng Chuẩn

Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập (29/03/2012)

Trong tương quan với khu vực và thế giới, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam vừa thiếu hụt, vừa lạc hậu, thậm chí lạc lõng. Nhưng nhìn từ phía khác, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đã mở đường cho một phương thức phát triển mới xuất hiện và định hình - từ một phương thức phát triển chủ quan, giáo điều và kém hiệu quả, đất nước đã chuyển sang một phương thức phát triển mới năng động, tích cực và hiệu quả… Bàn về khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập, phần cuối của bài viết gồm 2 tiểu mục: 1- Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam thời hội nhập: thử nhìn nhận và đánh giá khác. 2- Kết luận.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm hiệu quả hơn quyền con người ở Việt Nam (29/03/2012)

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu để phát triển đất nước trong 5 năm tới 2011-2015 là “tiếp tục phát huy dân chủ”, trong đó “thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Bài viết chỉ ra những đặc trưng cơ bản của dân chủ và những đặc trưng này được thể hiện bằng các quyền con người trong luật quốc tế về quyền con người; điểm lại những nội dung quan trọng về dân chủ ở cơ sở trong các văn bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đề cập đến những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; cho thấy mối liên hệ cũng như sự cần thiết phải tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc đảm bảo các quyền con người.
Tác giả: Nguyễn Hồng Hải, Hoàng Mai Hương

Khả năng và các điều kiện ứng dụng trắc lượng thư mục (29/03/2012)

Phân tích khả năng và các điều kiện ứng dụng trắc lượng thư mục, tác giả rút ra nhận xét: Hiện tại cũng như tương lai lâu dài, trong nguồn thông tin khoa học nói chung của nhân loại, tỷ lệ nguồn thông tin khoa học của Việt Nam là khá khiêm tốn. Sự khiêm tốn đó đủ để mọi người thấy rằng nếu ta mong muốn có được sự hòa nhập của nguồn tin trong nước với nguồn tin bên ngoài thì buộc chúng ta phải tính đến việc tổ chức nguồn thông tin của mình theo đúng cách thức mà các nguồn thông tin bên ngoài đã được tổ chức.
Tác giả: Trần Mạnh Tuấn

Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam (29/03/2012)

Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo khoa học quốc tế “Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam” do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức với sự tài trợ của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc. Hội thảo tập trung thảo luận ba vấn đề lớn: 1- Tính tất yếu của tăng trưởng xanh. 2- Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc; và 3- Những gợi ý rút ra cho Việt Nam.
Tác giả: Hoài Phúc t.th.

Về mô hình dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở Việt Nam hiện nay (29/03/2012)

Tác giả bài viết tìm hiểu một số mô hình giảng dạy và học ngoại ngữ đã được triển khai thành công ở Việt Nam, với 4 phần nội dung chính: 1- Mô hình dạy và học ngoại ngữ ESP. 2- Phân tầng ngành và lưỡng phân trong đào tạo chuyên ngữ tiếng Anh. 3- Dạy và học tiếng Anh chuyên ngành theo nhu cầu xã hội. 4- Tăng cường động cơ học tập ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên.
Tác giả: Nguyễn Đình Thao

Biển Đông: tương lai của xung đột (29/03/2012)

Robert D. Kaplan là chuyên viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ, thành viên Hội đồng chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tác giả cuốn “Gió mùa: Ấn Độ Dương và tương lai quyền lực Mỹ”. Tạp chí Thông tin KHXH giới thiệu bản dịch toàn văn bài viết mới nhất của ông đăng trên tờ Foreign Policy, số tháng 9 và tháng 10 năm 2011 - bài viết đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, giới quân sự và các nhà hoạt động xã hội ở khắp các diễn đàn liên quan tới tình hình biển Đông và châu Á.
Tác giả: Robert D. Kaplan; Hồ Kim Sơn d.