Mấy vấn đề lý luận về văn hóa trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (khóa VIII) sau 15 năm đi vào thực tiễn cuộc sống (10/03/2013)

Sau 15 năm quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) về những quan điểm chỉ đạo lớn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đất nước chúng ta đã thu được nhiều thành tựu mới. Song do sự vận động ngày càng phức tạp của cơ chế thị trường, do thực tiễn cuộc sống biến đổi quá nhanh, đòi hỏi phải có sự cập nhật khi triển khai các tư tưởng cơ bản của Nghị quyết này. Đây là một Nghị quyết có tính định hướng chính trị, nhiều vấn đề văn hóa phải cụ thể hơn và nhất quán hơn mới khỏi trùng lặp khi chúng ta vận dụng vào thực tiễn. Khi triển khai về mặt lý luận, nhiều nhà nghiên cứu thấy rằng, nội hàm của một số khái niệm về văn hóa, đặc biệt là văn hóa trong thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thật rõ ràng, nên họ vẫn chờ đợi hệ thống lý luận chung về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hiểu hơn những quan điểm chỉ đạo về văn hóa mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã nêu.
Tác giả: Đỗ Huy, Nguyễn Thu Nghĩa

Văn hóa dân tộc trong truyền thống và hiện đại (10/03/2013)

Bài viết gồm bốn phần nội dung: 1- Quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. 2- Những tác động tích cực của giá trị văn hóa truyền thống. 3- Những tác động tiêu cực của các giá trị văn hóa truyền thống đến lối sống và văn hóa của người Việt Nam hiện nay. 4- Những giải pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các giá trị văn hóa truyền thống.
Tác giả: Nguyễn Văn Dân

Chuyển biến tư tưởng về giáo dục của nho sĩ Duy Tân Việt Nam đầu thế kỷ XX (10/03/2013)

Tư tưởng duy tân về giáo dục của nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX có những chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ đổi mới vai trò, vị trí đến đối mới về mục đích, mô hình, phương thức giáo dục và nội dung giáo dục. Họ muốn coi duy tân giáo dục là khâu trọng yếu, đột phá trong công cuộc duy tân xã hội Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; hơn nữa họ muốn thông qua giáo dục xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới. Qua đó cho thấy, trong thời kỳ đất nước bị xâm lược cũng như khi độc lập, giáo dục vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giáo dục phải luôn được ưu tiên phát triển ngày một vững mạnh, khoa học và hiện đại.
Tác giả: Trần Thị Hạnh

“Đạo đức học phức hợp” qua bộ sách “Phương pháp” của Edgar Morin (10/03/2013)

Bộ sách “Phương pháp” (La Méthode) của Edgar Morin gồm 6 tập, lần lượt được xuất bản trong 27 năm, từ 1977 đến 2004. Cuốn Đạo đức học (Éthique) là tập cuối của bộ sách. Edgar Morin gọi “đạo đức học là phức hợp, bởi lẽ nó vừa là đơn nhất, vừa là đa bội. Tại thân trục chung, đạo đức học thống nhất hóa và đa dạng hóa các cành, các nhánh riêng biệt về tự thân - đạo đức, xã hội - đạo đức, nhân học - đạo đức. Trong khối thống nhất/đa phương ấy, đạo đức học phức hợp này đòi hỏi ta phải vận dụng đạo đức để chấp nhận thân phận con người”.
Tác giả: Phạm Khiêm Ích

Tọa đàm khoa học quốc tế: Tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay (10/03/2013)

Bài viết giới thiệu nội dung buổi Tọa đàm khoa học quốc tế “Tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện nghiên cứu Tôn giáo AACHEN đồng tổ chức, với 20 báo cáo tham luận, 4 phiên thảo luận tập trung vào bốn chủ đề lớn: 1- Tôn giáo và xã hội Việt Nam hiện nay: các hướng tiếp cận lý thuyết. 2- Tôn giáo với kinh tế và văn hóa. 3- Tôn giáo và cá nhân. 4- Đời sống tôn giáo và xã hội.
Tác giả: Phạm Thu Trang t.th.

Các mẫu hình của lịch sử (10/03/2013)

Để có thể hiểu được bản chất của nền dân chủ ở Đông Á, trước hết cần phải nắm được bản chất của chính phủ độc tài trong khu vực này. Những vấn đề đương thời của nền dân chủ và khả năng giải quyết những thách thức trong tương lai sẽ không thể được giải đáp, trừ khi xét chúng trong bối cảnh của một khu vực, nơi mà đất nước lớn mạnh nhất - Trung Quốc, đang sở hữu một chế độ độc tài phát triển nhanh chóng và khá thành công. Nền dân chủ ở Đông Á được đánh giá không chỉ dựa trên những so sánh với các thể chế độc tài ở châu Phi hay Trung Đông, mà còn với cả Trung Quốc. Bởi thế mà cần phải tìm hiểu mô hình của Trung Quốc - cả ưu, nhược điểm - như việc mở đầu cho những bàn luận về tương lai của nền dân chủ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác.
Tác giả: Francis Fukuyama; Hương Tiến d.