Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (26/02/2020)

Phát triển bền vững đã và đang là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Theo dõi và giám sát việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua các chỉ tiêu thống kê sẽ giúp nhận biết những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại cũng như những công việc còn dang dở cần phải tiếp tục thực hiện… Bài viết đề cập đến hệ thống các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, so sánh hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam với các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, hình thức thu thập và nguồn dữ liệu hiện có, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị về xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Đình Khuyến, Vũ Hùng Cường, Đào Ngọc Minh Nhung, Nguyễn Thị Thanh Hương

Tiếp cận triết học trong nghiên cứu văn hóa (26/02/2020)

Hiện các nghiên cứu văn hóa đã phát triển tới độ bao hàm trong bản thân nhiều khuynh hướng. Triết học nghiên cứu văn hóa như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển, và do đó, phương pháp hệ thống thường được sử dụng trong nghiên cứu văn hóa và góp phần hình thành nên cách tiếp cận triết học trong nghiên cứu văn hóa. Phương pháp hệ thống trong nghiên cứu văn hóa đòi hỏi phải ứng xử với các hiện tượng văn hóa như những thành tố nằm trong hệ thống lớn, và truy tìm ý nghĩa của chúng chính là trong bối cảnh lớn đó, chứ không cắt đoạn chúng theo địa giới hành chính hay phân giới địa lý. Những đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này được bài viết đề cập là Arnold Toybee, Ernst Cassirer, V. M. Rodin.
Tác giả: Phạm Thái Việt

Một số vấn đề về quyền tham chính của phụ nữ trong lĩnh vực lập pháp ở Việt Nam (26/02/2020)

Bài viết phân tích khái niệm “quyền tham chính của phụ nữ trong lĩnh vực lập pháp” dưới góc độ bình đẳng giới và góc độ quyền, trên cơ sở đó, chỉ ra thực trạng của vấn đề hiện nay. Đồng thời, tác giả cũng làm rõ một số tồn tại cần được khắc phục trong quá trình thực hiện quyền tham chính của phụ nữ trong lĩnh vực lập pháp ở Việt Nam.
Tác giả: Phan Thanh Hà

Quan hệ tộc người của cư dân vùng biên giới Việt - Lào (26/02/2020)

Quan hệ tộc người là vấn đề nghiên cứu được nhiều học giả quan tâm từ lâu và đã có khá nhiều công trình nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề này hoặc có nhắc đến trong bối cảnh nghiên cứu nào đó. Quan hệ tộc người vùng biên giới Việt - Lào được hình thành cùng với tiến trình lịch sử của quốc gia dân tộc Việt Nam, nó biểu hiện trên nhiều khía cạnh lịch sử, nguồn gốc tộc người, quan hệ hôn nhân, quan hệ kinh tế và văn hóa - xã hội. Nghiên cứu quan hệ tộc người vùng biên giới và xuyên biên giới có ý nghĩa thực tiễn nhằm giúp Đảng và Nhà nước Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn, từ đó có thể hỗ trợ việc điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với các vùng phên dậu của đất nước trong bối cảnh mới để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tác giả: Lê Hải Đăng

Khác biệt sinh kế giữa người Kinh và người Ca-dong và một số vấn đề đặt ra (trường hợp thôn 7, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) (26/02/2020)

Sự có mặt và xen cư của người Kinh là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển sinh kế của người Ca-dong ở thôn 7, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tuy vậy, do khác biệt đặc điểm xã hội, văn hóa tự thân, đã và đang tồn tại một số khác biệt sinh kế giữa hai bộ phận dân cư, phản ánh sự chậm phát triển, dẫn đến đời sống thấp kém hơn của người Ca-dong so với người Kinh nơi đây. Thực trạng, nguyên nhân và hệ quả của khác biệt sinh kế nói trên đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp trong khuyến nông, khuyến lâm, nâng cao tư duy kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường vai trò truyền bá kỹ thuật sản xuất mới của người Kinh.
Tác giả: Lê Thị Thỏa

Nghiên cứu địa lý văn hóa trên thế giới và lựa chọn ở Việt Nam (26/02/2020)

Địa lý văn hóa đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm về mặt học thuật trên thế giới, thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học với đa dạng các trường phái, mô hình và lý thuyết cũng như các đối tượng và chủ đề nghiên cứu. Tuy nhiên tại Việt Nam, tầm quan trọng của địa lý văn hóa chưa được nhìn nhận rõ ràng và đầy đủ, dẫn đến việc nghiên cứu địa lý văn hóa tại Việt Nam còn bỏ ngỏ với nhiều vấn đề cần quan tâm. Bài viết cung cấp một góc nhìn tổng thể về nội hàm của địa lý văn hóa thông qua việc khái quát tình hình nghiên cứu địa lý văn hóa trên thế giới, nhìn lại hiện trạng nghiên cứu địa lý văn hóa tại Việt Nam và gợi mở một số hướng nghiên cứu.
Tác giả: Đinh Trọng Thu, Lê Hồng Ngọc

Địa chí Việt Nam trong cái nhìn tham chiếu với Bách khoa toàn thư (26/02/2020)

Lịch sử dân tộc đã từng ghi nhận thể loại địa chí với khá nhiều công trình lớn. Đây là một loại sách ghi chép và tổng kết những kiến thức, hiểu biết về vốn tri thức bách khoa. Các công trình địa chí phản ánh trí tuệ, tài năng của người biên soạn và cũng thể hiện bao quát các tri thức đương thời. Với những giá trị có được, địa chí gợi điểm nhìn tham chiếu và mang đến bài học kinh nghiệm đối với việc biên soạn bách khoa toàn thư. Bài viết đề cập đến cái nhìn tham chiếu giữa địa chí và bách khoa toàn thư về mặt bản chất, loại hình, đặc trưng, nguyên tắc biên soạn.
Tác giả: Nguyễn Huy Bỉnh