Quy định của Hiến pháp Việt Nam về quyền lực nhà nước (12/02/2024)

Quyền lực và việc thực hiện quyền lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng và phức tạp. Lịch sử Việt Nam đã có 5 bản hiến pháp, mỗi bản lại có những quy định khác nhau về quyền lực và việc thực hiện quyền lực nhà nước. Bài viết nêu một số quy định của các Hiến pháp Việt Nam về quyền lực và việc thực hiện quyền lực nhà nước với mong muốn làm rõ hơn các quy định của hiến pháp về các vấn đề này.
Tác giả: Nguyễn Minh Đoan

Tiêu chí lựa chọn án lệ của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam (12/02/2024)

Ở hầu hết các nước trên thế giới, án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Điều này có nguyên nhân từ những khiếm khuyết của pháp luật thành văn. Trong trường hợp pháp luật không có quy định hay quy định không rõ ràng thì Thẩm phán được xem như là nhà lập pháp bổ sung, hay nói cách khác, Thẩm phán có vai trò sáng tạo luật khi đưa ra những giải pháp giải quyết những vụ việc cụ thể. Do vậy, việc xây dựng và ban hành án lệ phục vụ cho việc xét xử tại các nước đã và đang ngày càng được quan tâm. Song, không phải tất cả các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp đều trở thành án lệ. Bản án, quyết định để trở thành án lệ phải đáp ứng những tiêu chí lựa chọn nhất định. Ở các quốc gia khác nhau thì tiêu chí lựa chọn án lệ cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với xu hướng hội tụ, tiêu chí lựa chọn án lệ của các quốc gia nhìn chung thường có một số điểm tương đồng. Bài viết nêu khái niệm án lệ; phân tích tiêu chí lựa chọn án lệ của một số quốc gia trên thế giới; và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tác giả: Trương Thị Thu Trang

Sự can dự của Ấn Độ ở Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (12/02/2024)

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), Ấn Độ bắt đầu chú trọng can dự trở lại với khu vực Tiểu vùng sông Mekong thông qua việc triển khai Chính sách hướng Đông. Từ năm 2000, Ấn Độ đã công bố chương trình Hợp tác Mekong - sông Hằng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với 5 nước trong Tiểu vùng sông Mekong đặt trong khuôn khổ tổng thể của Chính sách hướng Đông. Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ quyết định đẩy mạnh sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở các vùng trọng điểm, trong đó có khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Narenda Modi, Ấn Độ chuyển sang Chính sách hành động hướng Đông (2014), đẩy mạnh sự can dự và mở rộng lĩnh vực hợp tác với các nước trong Tiểu vùng sông Mekong, từ lĩnh vực kinh tế sang các lĩnh vực an ninh, quân sự. Bài viết tập trung trình bày thực trạng can dự và ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên thế kỷ XXI.
Tác giả: Trần Nam Tiến

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay (12/02/2024)

Nguồn nhân lực là một trong ba nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa vàng để tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn còn hạn chế. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, qua đó chỉ ra rằng để nâng cao nhận thức cho các chủ thể nhất thiết phải thực hiện đổi mới tư duy lãnh đạo, đầu tư hơn nữa cho giáo dục và thực hiện phân phối ngày càng công bằng hơn.
Tác giả: Nguyễn Hùng Vương, Lê Xuân Hoa

Sự tham gia của đồng bào Khmer trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và vấn đề đặt ra (12/02/2024)

Các nghiên cứu lý luận về phát triển hiện nay và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều nhấn mạnh việc phát huy sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong các chính sách phát triển. Chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát thực tiễn thực hiện năm 2022, bài viết làm rõ thực trạng sự tham gia của đồng bào dân tộc Khmer trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phân tích một số vấn đề đặt ra liên quan đến sự tham gia của đồng bào Khmer trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh

Tác động của Internet đến đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào hiện nay (12/02/2024)

Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn hóa thông qua mạng Internet nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần của mình. Bài viết nghiên cứu việc sử dụng Internet của sinh viên Đại học Quốc gia Lào hiện nay, đồng thời phân tích tác động của Internet đến đời sống văn hóa của họ, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của Internet đến đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào trong thời gian tới.
Tác giả: Khamhou Vilathone

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương - Một trường hợp tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI (12/02/2024)

Nguyễn Bình Phương là cây bút tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI với lối viết sáng tạo, độc đáo và giàu tinh thần đối thoại. Bài viết tập trung khảo sát một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương để làm rõ sự sáng tạo và tinh thần đối thoại đó qua các nội dung: (i) Thế giới kỳ ảo và vô thức, (ii) Viết về cái ác và cái chết, (iii) Diễn giải chiến tranh và lịch sử. Những phân tích này nhằm lý giải thành công của tác giả như một cây bút tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Tác giả: Đỗ Hải Ninh