Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (02/10/2008)

Báo cáo này là kết quả của sự phối hợp giữa các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trình bày tại phiên họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 15/09/2005. Báo cáo đánh giá quá trình triển khai, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và các Mục tiêu hỗ trợ của Việt Nam (VDGs). Báo cáo chú trọng những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với từng mục tiêu và đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả MDGs.
Tác giả: Chính phủ Việt Nam; Quế Chi l.th.

Đảng ta với vấn đề phòng chống tệ quan liêu (02/10/2008)

Trên cơ sở đánh giá tình hình quan liêu ở Việt Nam, tác giả bài viết đề cập đến một số chủ trương, biện pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, đó là: đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí phải gắn chặt với đổi mới kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị; nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với đấu tranh chống buôn lậu, lãng phí, quan liêu; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; thực thi có hiệu quả công tác chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành.
Tác giả: Nguyễn Xuân Dũng

Hoạt động thư viện góp phần giảm bớt sự cách biệt giàu / nghèo thông tin trong nền kinh tế tri thức (02/10/2008)

Cùng với những tiến bộ xã hội do những thành tựu khoa học và công nghệ mang lại, cuộc hội nhập để phát triển trong xu hướng toàn cầu hoá không thoát khỏi một thách thức vô cùng to lớn: sự phân hoá giàu / nghèo, đặc biệt, giàu / nghèo về thông tin. Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng mang tính quy luật này. Sau khi thử phân loại giàu / nghèo thông tin theo hai nguyên nhân: thiếu phương tiện, thiếu kinh phí và có phương tiện mà chưa biết khai thác, có kinh phí mà chưa biết sử dụng thích đáng, đặc biệt là chưa biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại, bài viết trình bày một số suy nghĩ bước đầu cho thấy hoạt động thư viện có thể góp phần giảm bớt sự ngăn cách giàu / nghèo thông tin đang hình thành và phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Vương Toàn

Tự chủ trong nghiên cứu: Bài học từ các trường đại học nổi tiếng thế giới (02/10/2008)

Tác giả là người gốc Việt, Giáo sư Đại học quốc gia Đài Loan, ủy viên Hiệp hội triết học thế giới, một học giả có tên tuổi của nhiều đại học trên thế giới. Nội dung chính của bài viết đã được tham luận tại Hội nghị quốc gia về Hợp tác phát triển giáo dục đại học Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2002). Bài đã được đăng trên website của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 và thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả. Theo yêu cầu của bạn đọc, tác giả sửa lại đôi chỗ cho cập nhật với tình hình hiện nay và gửi đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội.
Tác giả: Trần Văn Đoàn

Kinh tế Trung Quốc - quá trình chuyển đổi thần kỳ (02/10/2008)

Gần ba thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển đầy ấn tượng với mức tăng trưởng GDP hàng năm trên 9,4 phần trăm và thu nhập bình quân đầu người tăng trên 6 lần. Cải cách ở Trung Quốc thành công từ đâu? Những gì là điều chỉnh cần thiết? Những câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Trả lời những câu hỏi này có thể là một tham khảo có ích trong nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Tác giả: Lê Thành Ý

Internet, toàn cầu hoá và luật pháp quốc tế (02/10/2008)

Mạng toàn cầu - Internet được sử dụng ngày càng rộng rãi. Trong thời đại toàn cầu hóa, Internet ngày càng bộc lộ tính hai mặt của nó rõ ràng hơn bao giờ hết. Giải pháp pháp lý nào cho Internet trong điều kiện toàn cầu hóa quốc tế? Đó là những nội dung chính được tác giả đề cập tới trong bài viết này.
Tác giả: Zarova A. K.; Thu Thuỷ l.th.

Những hệ quả về quan hệ giai cấp, ý thức hệ và văn hoá của nền kinh tế thế giới đang biến đổi (02/10/2008)

Bài viết tổng thuật những nội dung cơ bản được thảo luận trong Hội thảo quốc tế “Những hệ quả về quan hệ giai cấp, ý thức hệ và văn hóa của nền kinh tế thế giới đang biến đổi” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Tự nhiên, Xã hội và Tư tưởng Hoa Kỳ tổ chức vào các ngày 09-11/01/2006. Có 28 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo xen kẽ với các ý kiến thảo luận, trao đổi, tập trung vào 3 chủ đề chính: các vấn đề kinh tế quốc tế đang ảnh hưởng đến xã hội thế giới; các vấn đề về giai cấp, xã hội trong nền kinh tế toàn cầu hóa; chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân chủ xã hội, chủ nghĩa tư bản và các trào lưu tư tưởng khác - triển vọng trong thế kỷ XXI.
Tác giả: Nguyễn Quốc Phẩm t.th.

Mười ảo tưởng về quản lý - điều hành và tham nhũng (02/10/2008)

Mười ảo tưởng về quản lý - điều hành và tham nhũng được nêu ra trong bài viết là: 1) Vấn đề quản lý - điều hành và việc chống tham nhũng chỉ là một; 2) Không thể đo được sự quản lý - điều hành và nạn tham nhũng; 3) Tầm quan trọng của quản lý - điều hành và chống tham nhũng được đánh giá quá cao; 4) Việc quản lý - điều hành là món hàng xa xỉ mà chỉ những nước giàu mới có thể có được; 5) Phải mất nhiều thế hệ để cải thiện sự quản lý - điều hành; 6) Các nhà tài trợ có thể “làm hàng rào bao quanh” các dự án ở các quốc gia và những khu vực có mức độ tham nhũng cao; 7) Chống tham nhũng bằng cách chiến đấu với tham nhũng; 8) Thủ phạm là khu vực công ở các nước đang phát triển; 9) Rất ít quốc gia có thể cải thiện sự quản lý - điều hành; 10) Các cơ quan tài chính quốc tế (IFI) không thể làm được gì nhiều.
Tác giả: Daniel Kaufmann; Phan Thu Huyền d.