Trường Chinh - nhà hoạt động văn hoá, người thiết kế đường lối văn học - nghệ thuật của Đảng (30/09/2008)
Không chỉ là nhà chính trị có tầm trên nhiều mặt hoạt động chính trị - xã hội, lãnh tụ Trường Chinh còn có những hoạt động phong phú trên các lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Về phương diện này, ông là một nhà thơ nổi tiếng trong trào lưu văn học cách mạng trước 1945, người thiết kế và chỉ đạo các hoạt động văn hoá - nghệ thuật.
Từ Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943 mà ông có trách nhiệm khởi thảo, qua các Đại hội của các giới văn hoá, văn học, nghệ thuật mà ông có trách nhiệm đại diện cho Đảng phát biểu, các bài viết, bài nói của Trường Chinh từ sau 1945 đều hướng tới mục tiêu thiết kế một Đường lối văn học - nghệ thuật của Đảng, nhằm hướng dẫn chỉ đạo đời sống văn học - nghệ thuật Việt Nam đi vào quỹ đạo phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Một Đường lối văn học - nghệ thuật như thế đã được xác định trong bài phát biểu tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ Ba - 1968, gồm 8 mục - được hiểu là “8 quan điểm cơ bản”, trong đó có những mục đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Tác giả:
Phong Lê
Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế ở ASEAN (30/09/2008)
Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế cũng như mối quan hệ giữa chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế là những vấn đề tương đối mới đang thu hút được sự chú ý không chỉ của giới nghiên cứu mà còn của các nhà hoạch định chính sách. Mối quan hệ này ngày càng được chú ý hơn trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá và liên kết kinh tế tăng nhanh và có những thay đổi to lớn trong nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Sự thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực đã kéo theo những thay đổi về quan niệm và chiến lược trong giữ gìn và đảm bảo an ninh của quốc gia và khu vực. Nghiên cứu các vấn đề về chênh lệch phát triển và an ninh trong điều kiện mới, trong đó có an ninh kinh tế, vì thế là rất cần thiết và hữu ích cho việc đưa ra các chính sách phát triển và đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Đó cũng là những nội dung mà cuốn sách “Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế ở ASEAN” phân tích làm rõ.
Tác giả:
Nguyễn Xuân Thắng ch.b.; Tùng Khánh l.th.
Đổi mới toàn diện và triệt để khoa học xã hội (30/09/2008)
Bước vào thế kỷ XXI, khoa học xã hội đứng trước hàng loạt vấn đề mới mà nhân loại đang quan tâm sâu sắc. Bài viết giới thiệu khái quát nội dung cuốn sách Báo cáo về khoa học xã hội thế giới của UNESCO - một tổng quan về khoa học xã hội thế giới trong thế kỷ XX và xu hướng phát triển của nó vào những năm đầu thế kỷ XXI. Theo tác giả bài viết, để đổi mới toàn diện và triệt để khoa học xã hội, phải thay đổi cơ bản về nền tảng lý luận và phương pháp luận, về xây dựng và khai thác dữ liệu, về đầu tư nhân lực và tài chính, về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy, v.v… Đặc biệt phải tạo ra bầu không khí thật sự tự do, dân chủ trong khoa học. Chỉ có như vậy, khoa học xã hội Việt Nam mới khắc phục được sự tụt hậu ngày càng tăng và phát huy vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Tác giả:
Phạm Khiêm Ích
Phương thức công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam (30/09/2008)
Bài viết tìm hiểu về phương thức công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung thứ nhất là về tiền đề, cơ sở để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ hai là con đường, bước tiến của công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương kết hợp nội lực với ngoại lực để công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thứ tư, Hồ Chí Minh và Đảng do người sáng lập chỉ dẫn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo cách làm đồng bộ. Thứ năm, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng khoa học, kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tác giả:
Lê Huy Thực
Tư tưởng của Rousseau về tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước (30/09/2008)
Rousseau (1712-1778) là nhà tư tưởng chính trị vĩ đại thời kỳ Khai sáng gắn liền với tác phẩm nổi tiếng “Khế ước xã hội”. Cùng với “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, hai tác phẩm đã trở thành một bộ đôi khai sáng về quan điểm chính trị, pháp lý thời bấy giờ. Tư tưởng chủ đạo và những vấn đề các ông đặt ra về nhà nước pháp quyền, về xã hội công dân là những tiền đề quan trọng của các thiết chế chính trị hiện đại. Làm thế nào để có một nhà nước hiệu quả, một cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu bảo đảm quyền của nhân dân vẫn còn là một vấn đề bức xúc của nhân loại, đặc biệt đối với Việt Nam hiện nay trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Tác giả:
Trịnh Thị Xuyến
Về xu hướng xã hội chủ nghĩa của các nước Mỹ Latinh (30/09/2008)
Một sự kiện chính trị nổi bật được thế giới ghi nhận trong năm 2006 là sự thắng lợi của các phong trào cánh tả Mỹ Latinh. Sự kiện này không chỉ tiếp tục đánh dấu sự đổi mầu trên bản đồ chính trị thế giới với sự trỗi dậy của làn sóng tư tưởng thiên tả từ Venezuela, Chile, Argentina, Bolivia tới Brazil, Nicaragua, Ecuador… mà còn chứng tỏ một xu hướng mới đang hình thành ở khu vực này - xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết tìm hiểu một số nội dung về xu hướng xã hội chủ nghĩa của các nước Mỹ Latinh.
Tác giả:
Nguyễn Văn Quang
Chiến lược chủ động và chiến lược thụ động trong xuất khẩu ở Đông Á và Mỹ Latinh (30/09/2008)
Bài viết xem xét một cuộc tranh luận đã qua về những hậu quả của cơ cấu xuất khẩu đối với sự tăng trưởng: Việc xuất khẩu các mặt hàng “khoai tây chiên” hoặc “những con bọ điện tử” (khoai tây chiên đối lập với chíp vi điện tử) có tạo ra sự khác biệt đối với các nước đang phát triển? Kinh nghiệm của khu vực Mỹ Latinh và của vùng Đông Á từ những năm 1980 - tức là trong thời kỳ toàn cầu hoá - đã chỉ rõ: sự tăng trưởng có liên quan chặt chẽ với cơ cấu đặc thù của sản phẩm và với những thiết chế đặc biệt của ngành xuất khẩu.
Tác giả:
José Gabriel Palma; Tiến Đạt l.th.
Doanh nghiệp hội nhập toàn cầu (30/09/2008)
Là người đứng đầu trong Ban điều hành của IBM, quan sát quá trình hoạt động kinh doanh của IBM, Samuel F. Palmisano đã nhận thấy những thay đổi nhanh chóng ngay trong IBM và giữa các đối tác của IBM trên các phương diện: cấu trúc hoạt động, văn hoá công ty,… nhằm đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng tăng của toàn cầu hoá và sự tiến bộ của công nghiệp hiện nay. Bài viết của Samuel F. Palmisano trình bày khái quát quá trình biến đổi từ tập đoàn đa quốc gia sang dạng thức tồn tại mới đang ngày càng rõ nét - doanh nghiệp hội nhập toàn cầu, đặc biệt là từ cuối thế kỷ XIX tới nay, với những đặc điểm, thách thức và triển vọng trong tương lai.
Tác giả:
Samuel F. Palmisano; Thanh Hải l.th.