Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay (24/03/2020)

Bài viết tập trung làm rõ nội dung công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị, tư tưởng với ba vấn đề: 1- Xây dựng và thực hiện đường lối cách mạng; 2- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận; 3- Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng.
Tác giả: Tạ Ngọc Tấn

Về vấn đề tính khoa học của triết học, một hình thái ý thức xã hội (24/03/2020)

Từ khoảng giữa thế kỷ XX, triết học được tranh cãi liệu nó có phải là một khoa học hay không. Trước đó, vấn đề này gần như không được đặt ra. Bởi lẽ, từ trong lịch sử đến tận ngày nay, triết học luôn được thừa nhận là một hình thái ý thức xã hội và giá trị không thể thay thế của triết học là ở đó. Người ta không coi triết học là một khoa học ngang hàng (cùng loại) với các khoa học khác, điều đó không có nghĩa rằng triết học không luận giải một cách khoa học về thế giới. Triết học nào cũng cố gắng sử dụng những thành tựu khoa học để khái quát luận thuyết của mình thành một mô hình lý tưởng nhằm giải thích mọi hiện tượng trong thế giới và định hướng cho hành vi. Hàm lượng khoa học của một học thuyết triết học, ngoài việc nó sử dụng những thành tựu của các khoa học khác còn biểu hiện ở sức mạnh của thế giới quan và phương pháp luận mà nó sáng tạo ra để giải thích thế giới và định hướng cho hoạt động của con người.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Kinh tế Việt Nam năm 2019: Thực trạng, rủi ro và triển vọng cho năm 2020 (24/03/2020)

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đương đầu với không ít thách thức, từ cả bên trong và bên ngoài. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng đang gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2020, ngoài việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố nền kinh tế vĩ mô, tăng cường sức đề kháng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc khó đoán định, khó lường từ bên ngoài.
Tác giả: Phạm Sỹ An

Phát triển doanh nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2018 và vị thế trong phát triển doanh nghiệp vùng Tây Nam bộ (24/03/2020)

Sự phát triển của doanh nghiệp thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng Tây Nam bộ, những năm qua khá ấn tượng và dần khẳng định vai trò động lực phát triển của vùng. Trên cơ sở số liệu điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2011-2018, nhóm nghiên cứu chỉ ra thực trạng và những vấn đề phát triển của các doanh nghiệp thành phố Cần Thơ. Những vấn đề đó cần được giải quyết để củng cố và phát huy vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ đối với vùng Tây Nam bộ.
Tác giả: Đặng Thái Bình, Vũ Hùng Cường, Phí Vĩnh Tường, Trần Văn Hoàng

Định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông hiện nay (24/03/2020)

Bài viết phân tích thực trạng định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông trong những năm gần đây và thời điểm hiện tại, góp phần làm rõ thực trạng định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông hiện nay. Nội dung bài viết tập trung trả lời các câu hỏi: Học sinh dự định lựa chọn ngành nghề trong tương lai như thế nào? Các em có sẵn sàng, tự tin khi lựa chọn nghề? Các em có thực sự hiểu về nghề mình đã chọn? Điều gì các em quan tâm khi lựa chọn một nghề nào đó?
Tác giả: Trương Thúy Hằng

Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạt động xây dựng pháp luật (24/03/2020)

Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, tiếp cận dựa trên quyền con người trong quá trình hoạch định và xây dựng chính sách pháp luật đã trở thành xu thế chung của thế giới. Đây là phương pháp không chỉ chú trọng đến kết quả đầu ra mà còn quan tâm đến quá trình thực hiện. Do đó nó đảm bảo được quyền của các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi các chính sách pháp luật đang được xây dựng và đòi hỏi nghĩa vụ thực hiện từ nhà nước. Ở Việt Nam, cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong xây dựng pháp luật cũng đã bắt đầu được quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng cách thực hiện vẫn còn chưa rõ ràng và nhiều bất cập nên cần nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Tác giả: Nguyễn Linh Giang

Chiến lược hợp tác và phát triển thương mại của Hàn Quốc với ASEAN trong thế kỷ XXI (24/03/2020)

Bài viết luận bàn về chính sách và kết quả hợp tác thương mại của Hàn Quốc với ASEAN kể từ thời điểm hai bên trở thành đối tác hợp tác toàn diện (năm 2004) đến khi chính sách “hướng Nam mới” của Tổng thống Moon Jae-in ra đời (năm 2017). Trên cơ sở phân tích, lý giải những thành công đạt được trong nỗ lực gia tăng kim ngạch và thặng dư thương mại từ Hàn Quốc, bài viết cũng chỉ rõ những hạn chế của quốc gia này trong quá trình thúc đẩy mậu dịch với ASEAN trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh đan xen của kinh tế Đông Á và toàn cầu.
Tác giả: Phạm Thị Anh Thư