Tiếp cận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay (20/04/2021)

Bài viết phân tích thực trạng pháp luật đất đai từ góc độ đảm bảo tiếp cận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những định hướng hoàn thiện pháp luật góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp được tiếp cận quyền sử dụng đất.
Tác giả: Phạm Hữu Nghị

Chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam hiện nay (20/04/2021)

Kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ - một hoạt động kinh doanh mới, có tốc độ phát triển rất nhanh trên thế giới và Việt Nam thời gian gần đây. Sự phát triển đó đã và đang làm phát sinh hàng loạt vấn đề cần nghiên cứu và thực hiện trên thực tế, trong đó có chính sách quản lý nhà nước. Hệ thống chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện tại đã lộ rõ nhiều điểm hạn chế, không theo kịp với những thay đổi trong kỷ nguyên số. Bài viết tập trung phân tích chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở khái quát các vấn đề chung, bài viết làm rõ yêu cầu về quản lý nhà nước, mục tiêu và nội dung trong xây dựng chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình hoạt động kinh doanh này, từ đó đưa ra những đánh giá về thực trạng và đề xuất các kiến nghị cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả: Trần Huy Đức, Trần Thị Hồng Nhung

Về thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam từ sau Đổi mới: Thành tựu và hạn chế (20/04/2021)

Chính sách dân tộc ở Việt Nam, nhất là từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, đã góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, mặt bằng dân trí được nâng cao, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy, chính trị ổn định và quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình triển khai chính sách dân tộc ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số đã gặp không ít khó khăn, hạn chế…, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn, một số dân tộc có nguy cơ mai một văn hóa truyền thống…
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh

Kinh tế tuần hoàn: Từ lý luận đến thực tiễn tại Việt Nam (20/04/2021)

Trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đang chuyển dịch mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cách thức thực hiện của mỗi nước lại khác nhau, với những lĩnh vực ưu tiên riêng. Theo xu hướng chung đó, Việt Nam đang từng bước phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Bài viết làm rõ lý luận về kinh tế tuần hoàn và thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Phạm Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Nghĩa

Cộng đồng tôn giáo thuộc các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên với việc bảo vệ rừng (20/04/2021)

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, là yếu tố góp phần đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống của người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia. Ở Tây Nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ rừng, là bảo vệ nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế, đồng thời còn là bảo vệ cội nguồn của đời sống tâm linh, văn hóa nơi đây. Thông qua tổng hợp tài liệu, bài viết khái quát về hiện trạng rừng ở Tây Nguyên hiện nay, tập trung phân tích vấn đề bảo vệ rừng của những người theo tôn giáo thuộc các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên qua các tục lệ của các tộc người, qua giáo lý và hoạt động của một số tôn giáo.
Tác giả: Vũ Thị Châm

Chỉ số PCI - Dữ liệu tham khảo đầu tư vào tỉnh Phú Yên (20/04/2021)

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê, hình học để tính toán, phân tích và đánh giá các chỉ tiêu của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hoạt động đầu tư vào tỉnh Phú Yên trong các năm 2018-2019. Kết quả cho thấy: chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện 8 bậc trên bảng xếp hạng của Việt Nam, tuy nhiên còn 3 chỉ số thành phần có giá trị thấp đó là: Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh. Kết quả đầu tư vào tỉnh Phú Yên năm 2019 vượt 28,7% so với năm 2018.
Tác giả: Đoàn Thị Nhiệm, Nguyễn Thị Kim Trọng, Đặng Lê Trần Vũ

Chúng ta cần xây dựng “Nhà nước pháp quyền” hay “Xã hội pháp quyền”? Một số phân tích từ lý thuyết về “The Rule of Law” (20/04/2021)

“The Rule of Law” và “Nhà nước pháp quyền” là những thuật ngữ chính trị - pháp lý được thảo luận nhiều ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong giới nghiên cứu về một số khía cạnh. Bài viết phân tích nguồn gốc, nội dung của “The Rule of Law” theo cách hiểu phổ biến trên thế giới, so sánh với quan điểm về “Nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, “The Rule of Law” và “Nhà nước pháp quyền” là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất về nguồn gốc và nội dung. “The Rule of Law” hàm ý một “Xã hội pháp quyền” hơn là một “Nhà nước pháp quyền”, và trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên hướng đến việc xây dựng “xã hội pháp quyền” theo đúng tinh thần của “The Rule of Law”.
Tác giả: Nguyễn Minh Tâm, Vũ Công Giao